Những điều cần biết về vốn ODA? Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA như thế nào?
Phương thức cung cấp vốn ODA như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, phương thức cung cấp vốn ODA bao gồm:
- Chương trình.
- Dự án.
- Phi dự án.
- Hỗ trợ ngân sách.
Thế nào là vốn ODA?
Về khái niệm vốn ODA được quy định tại Điều 1 và khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định thì vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Những điều cần biết về vốn ODA? Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA như thế nào? (Hình từ Internet)
Vốn ODA bao gồm những loại nào?
Cũng theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định thì vốn ODA bao gồm các loại sau:
- Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
- Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.
Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP.
Chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA được quy định như thế nào?
Đối với quy định về chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA thì tại Điều 5 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định bao gồm:
- Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để:
+ Thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội;
+ Tăng cường năng lực;
+ Hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách;
+ Phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh;
+ Thích ứng với biến đổi khí hậu;
+ Tăng trưởng xanh;
+ Đổi mới sáng tạo;
+ An sinh xã hội;
+ Chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
- Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
- Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA như thế nào?
Điều 7 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA cụ thể như sau:
- Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: cấp phát toàn bộ vốn vay ODA từ ngân sách trung ương.
- Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA của Chính phủ.
- Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA làm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA.
- Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA từ ngân sách trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
- Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn về những điều cần biết về vốn ODA và nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?
- Ngày 20 tháng 1 là ngày gì? Ngày 20 tháng 1 có sự kiện gì ở Việt Nam? Ngày 20 tháng 1 năm 2025 là ngày mấy âm lịch?
- Báo cáo kế toán thuế để làm gì? Số liệu báo cáo kế toán thuế phải phản ánh điều gì? Lập báo cáo kế toán thuế?