Người từ đủ 18 tuổi có được tham gia đặt cược bóng đá quốc tế không? Cố tình tham gia khi không thuộc đối tượng được phép đặt cược thì bị phạt ra sao?
Người từ đủ 18 tuổi có được tham gia đặt cược bóng đá quốc tế không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 06/2017/NĐ-CP và khoản 2 Điều 7 Nghị định 06/2017NĐ-CP về người chơi đặt cược bóng đá quốc tế như sau:
Người chơi
1. Người chơi phải đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Các đối tượng không được phép tham gia đặt cược
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cán bộ quản lý, điều hành, nhân viên và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tham gia đặt cược của chính doanh nghiệp mình tổ chức;
c) Các thành viên Hội đồng giám sát cuộc đua và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của các thành viên Hội đồng giám sát cuộc đua tham gia đặt cược các cuộc đua ngựa, đua chó mà mình thực hiện nhiệm vụ giám sát;
d) Các nài ngựa, cầu thủ, Trọng tài và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của nài ngựa, cầu thủ, Trọng tài tham gia đặt cược vào các cuộc đua, trận đấu và giải thi đấu mà mình tham dự, điều khiển;
đ) Các đối tượng thuộc diện bị người thân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong gia đình là bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột hoặc bản thân có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh đặt cược không cho tham gia đặt cược;
e) Các đối tượng đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành xong hình phạt mà chưa được xóa án tích; người đang trong thời gian bị lập hồ sơ, chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, theo quy định trên thì độ tuổi hợp pháp để tham gia đặt cược bóng đá quốc tế là từ đủ 21 tuổi. Người từ đủ 18 tuổi vẫn chưa được xem là đủ điều kiện tham gia các hoạt động cá cược hợp pháp.
Ngoài ra, người tham gia đặt cược phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và không thuộc các đối tượng không được phép đặt cược nêu trên.
Trong trường hợp người chơi không đáp ứng đủ các điều kiện, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế có quyền từ chối nhận đặt cược của người chơi theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 06/2017/NĐ-CP.
Người từ đủ 18 tuổi có được tham gia đặt cược bóng đá quốc tế không? Cố tình tham gia khi không thuộc đối tượng được phép đặt cược thì bị phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Cố tình tham gia khi không thuộc đối tượng được phép đặt cược thì bị phạt ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2021/NĐ-CP về nghĩa vụ của người chơi cá cược như sau:
Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người chơi
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi cố tình mua vé đặt cược để tham gia đặt cược khi thuộc đối tượng không được phép tham gia đặt cược theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng.
3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Giả mạo vé đặt cược để lĩnh thưởng;
b) Dàn xếp làm sai lệch kết quả sự kiện đặt cược;
c) Giả mạo kết quả trúng thưởng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này để hoàn trả lại cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược.
Theo quy định trên, đối với những người chơi không thuộc đối tượng được cho phép đặt cược nhưng vẫn cố tình mua vé đặt cược thì sẽ không bị phạt tiền, thay vào đó người chơi sẽ bị phạt cảnh cáo.
Phạt doanh nghiệp kinh doanh đặt cược bán vé đặt cược cho các đối tượng không được phép tham gia đặt cược thế nào?
Quy định đối với các vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh đặt cược trong việc quản lý người chơi được xác định tại Điều 12 Nghị định 137/2021/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định về quản lý người chơi
1. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi bán vé đặt cược cho các đối tượng không được phép tham gia đặt cược.
2. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi cho người chơi vay tiền để tham gia đặt cược.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược từ 06 tháng đến 12 tháng nếu vi phạm lần đầu; từ 12 tháng đến 24 tháng nếu vi phạm từ lần thứ hai trở lên đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính quy định tại Điều này.
Như vậy theo quy định trên thì doanh nghiệp kinh doanh đặt cược bán vé đặt cược cho các đối tượng không được phép tham gia đặt cược sẽ bị phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.
Cụ thể như sau:
- Đối với vi phạm lần đầu: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược từ 06 tháng đến 12 tháng;
- Đối với vi phạm từ lần thứ hai trở lên: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược ừ 12 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, những khoản lợi bất chính thu được cũng sẽ phải nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?