Người sử dụng lao động sẽ xử lý như thế nào khi kết quả thử việc của người lao động không đạt yêu cầu?
- Người sử dụng lao động sẽ xử lý như thế nào khi kết quả thử việc của người lao động không đạt yêu cầu?
- Yêu cầu thử việc lần 1 không đạt thì người sử dụng lao động có được tiếp tục yêu cầu người lao động thử việc tiếp không?
- Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động có bị phạt không?
Người sử dụng lao động sẽ xử lý như thế nào khi kết quả thử việc của người lao động không đạt yêu cầu?
Căn cứ vào Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo như quy định trên thì nếu người lao động đã trãi qua quá trình thử việc nhưng không đạt yêu cầu thử việc thì người sử dụng lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết nếu như có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng thử việc.
Trong trường hợp kết quả yêu cầu thử việc của người lao động là đạt thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết nếu như trước đó đã có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp trước đó giao kết hợp đồng thử việc.
Người sử dụng lao động sẽ xử lý như thế nào khi kết quả thử việc của người lao động không đạt yêu cầu? (Hình từ Internet)
Yêu cầu thử việc lần 1 không đạt thì người sử dụng lao động có được tiếp tục yêu cầu người lao động thử việc tiếp không?
Như đã đề cập ở nội dung trên khi người lao động thử việc không đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết nếu như có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng thử việc.
Tuy nhiên, tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo đó thì tại một công việc thì người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động thử việc 01 lần. Trường hợp người lao động đã thử việc tại công việc đó nhưng không đạt yêu cầu, nhưng người sử dụng lao động thấy người lao động có tiềm năng làm việc ở 01 công việc khác phù hợp hơn thì có thể yêu cầu người lao động thử việc ở một công việc khác, không phải công việc ban đầu.
Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động có bị phạt không?
Căn cứ vào Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Theo như quy định trên thì người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi đã thử việc đạt yêu cầu thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người sử dụng lao động còn phải buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Chú ý: Mức xử phạt hành chính theo quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính gấp 02 lần cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?