Nghị định 162/2024 về điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô như thế nào?
Nghị định 162/2024 về điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô như thế nào?
Ngày 20/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 162/2024/NĐ-CP quy định điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập.
Theo đó, Nghị định 162/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, căn cứ tại Điều 2 Nghị định 162/2024/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
(1) Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài (sau đây gọi tắt là ngân hàng thương mại).
(2) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(3) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
(4) Quỹ tín dụng nhân dân.
(5) Tổ chức tài chính vi mô.
(6) Cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(7) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, cấp Giấy phép thành lập của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Nghị định 162/2024 về điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Điều kiện đối với thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân như thế nào?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 162/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân như sau:
(1) Đối với cá nhân:
- Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này;
- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích;
- Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Đối với hộ gia đình:
- Là hộ gia đình có các thành viên thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình;
- Các thành viên của hộ gia đình phải cử một thành viên của hộ gia đình làm người đại diện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên quỹ tín dụng nhân dân. Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại (1).
(3) Đối với pháp nhân:
- Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang hoạt động bình thường và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
- Người đại diện của pháp nhân tham gia thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc cá nhân được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền tham gia.
Điều kiện đối với thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh ra sao?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 162/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh như sau:
- Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là tổ chức tín dụng nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Nghị định 162/2024/NĐ-CP.
- Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là ngân hàng thương mại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện đối với ngân hàng thương mại quy định tại khoản 1, 4 Điều 4 Nghị định 162/2024/NĐ-CP.
- Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;
+ Phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh đối với trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước;
+ Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm;
+ Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
+ Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
+ Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
+ Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng và không bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.
- Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, các thành viên sáng lập phải cùng nhau sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh.
Lưu ý: Nghị định 162/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thẩm quyền thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng 2, hạng 3 thuộc về ai theo Nghị định 175?
- Địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Lạng Sơn? Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Lạng Sơn như thế nào?
- Mâm ngũ quả miền Nam có gì? 11 loại quả mâm ngũ quả? Tết Nguyên Đán Ất Tỵ có được bắt pháo hoa không?
- Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có được hành nghề trên phạm vi cả nước?
- Địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Nghệ An? Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Nghệ An như thế nào?