Ngân hàng nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng miếng, chuyển sang ngày 23/4/2024? Quy trình mua bán vàng miếng qua đấu thầu ra sao?
Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng miếng, chuyển sang ngày 23/4/2024?
Thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, chiều ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rộng rãi việc đấu thầu bán vàng miếng trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước và thông báo trực tiếp đến 15 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để tham giá đấu thầu vàng.
Dự kiến thời gian tổ chức đấu thầu vào 10h sáng ngày thứ hai, 22/4/2024.
Tuy nhiên, do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu này.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10h sáng thứ ba, 23/4/2024 đồng thời đã thông báo rộng rãi đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký dự thầu và đặt cọc ngay trong ngày thứ hai.
Trước đó, ngày 19/4, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Thứ Hai ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng.
Theo đó, ngay vào chiều ngày hôm nay 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo tới 15 doanh nghiệp vàng đủ điều kiện đấu thầu
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.
Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. 1 giờ sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013.
Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Ngân hàng nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng miếng, chuyển sang ngày 23/4/2024? Quy trình mua bán vàng miếng qua đấu thầu ra sao? (Hình từ internet)
Quy trình mua bán vàng miếng qua đấu thầu ra sao?
Căn cứ tại khoản 2, 3 Điều 12 Thông tư 06/2013/TT-NHNN được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 7 Điều 2 Thông tư 12/2023/TT-NHNN quy định quy trình mua bán vàng miếng qua đấu thầu giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được thực hiện như sau:
(1) Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng;
(2) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cọc;
(3) Kiểm tra và thông báo tư cách dự thầu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp;
(4) Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thông báo giá mua, bán (đối với đấu thầu theo khối lượng) hoặc giá sàn và/hoặc giá trần (đối với đấu thầu theo giá);
(5) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nộp phiếu dự thầu mua, bán vàng miếng;
(6) Ngân hàng Nhà nước xét thầu;
(7) Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy thầu (nếu có);
(8) Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) công bố kết quả đấu thầu;
(9) Xác nhận giao dịch;
(10) Thanh toán tiền và giao, nhận vàng miếng;
(11) Xử lý tiền đặt cọc.
Lưu ý: Ở giai đoạn (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8) và (9) được thực hiện theo quy định tại Quy trình về mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng như thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP có nêu rõ nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng như sau:
- Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.
- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật các tổ chức tín dụng 2010.
- Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại khoản 6, 7, 8 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản kiểm điểm của Bí thư đảng ủy là mẫu nào? Nội dung bản kiểm của Bí thư đảng ủy phải đảm bảo gì?
- Việc lập danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ do tổ chức nào thực hiện?
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?