Mua bán tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật không? Mua bán tài khoản ngân hàng trái phép bị xử phạt thế nào?
Mua bán tài khoản ngân hàng có xem là vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN) quy định về nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán như sau:
Quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán
...
2. Chủ tài khoản thanh toán có các nghĩa vụ sau:
...
h) Không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình;
i) Không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo quy định trên, chủ tài khoản không được cho thuê, cho mượn, sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Do đó, nếu bán lại tài khoản ngân hàng cho người thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Mua bán tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật không? Mua bán tài khoản ngân hàng trái phép bị xử phạt thế nào? (Hình từ internet)
Hành vi mua bán tài khoản ngân hàng trái phép bị xử phạt hành chính như thế nào?
Tại khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm c, điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt hành chính với vi phạm hoạt động thanh toán như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
...
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
Và điểm a khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm g khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
...
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
Như vậy, người mua bán tài khoản ngân hàng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tuỳ vào số lượng tài khoản bị mua bán. Đồng thời, người đó phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm thu được.
Hành vi mua bán tài khoản ngân hàng trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng như sau:
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng
1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy thuộc vào số lượng tài khoản ngân hàng mua bán và mức độ thực hiện hành vi mà người nào có hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng của người khác thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.
Đồng thời, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu nhận xét đánh giá đảng viên của chi bộ? Hướng dẫn chi bộ nhận xét đánh giá đảng viên thế nào?
- Mẫu Quyết định công nhận chi bộ trong sạch vững mạnh? Đơn vị có bao nhiêu đảng viên thì được lập chi bộ thuộc đảng ủy cơ sở?
- Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể đảng đoàn, ban cán sự đảng mới nhất? Nội dung báo cáo kiểm điểm tập thể đảng đoàn, ban cán sự đảng?
- Thời điểm tính thuế tự vệ là ngày đăng ký tờ khai hải quan đúng không? Số tiền thuế tự vệ nộp thừa được xử lý như thế nào?
- Giảm giá đến 100% trong Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday?