Mang hình ảnh của người khuyết tật lên phương tiện truyền thông có vi phạm pháp luật không?
Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010 về việc người khuyết tật sẽ được bảo đảm thực hiện những quyền sau đây:
+ Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
+ Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
+ Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;
+ Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật như trung thành với Tổ quốc, tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, nghĩa vụ học tập...
Mang hình ảnh của người khuyết tật lên phương tiện truyền thông có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Mang hình ảnh của người khuyết tật lên phương tiện truyền thông có vi phạm pháp luật không?
Tùy theo mục đích của hành vi mà pháp luật quy định như sau:
Theo quy định tại Điều 13 Luật người khuyết tật 2010 về thông tin, truyền thông, giáo dục về người khuyết tật như sau:
Thông tin, truyền thông, giáo dục
1.Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
2. Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật bao gồm:
a) Quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật;
b) Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật;
c) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình đối với người khuyết tật;
d) Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật;
đ) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
Theo đó, công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về người khuyết tật phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, thiết thực; phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội.
Như vậy, đối với hành vi mang hình ảnh của người khuyết tật lên phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật thì không thuộc những hành vi bị nghiêm cấm đối theo pháp luật về người khuyết tật.
Tuy nhiên, đối với những hành vi mang hình ảnh của người khuyết tật lên phương tiện truyền thông nhằm trục lợi thì được xem là vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010:
Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.
4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.
6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.
7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Hành vi lợi dụng hình ảnh của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Sử dụng hình ảnh của người khuyết tật nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có bị phạt tù không?
Tùy theo mục đích, tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
Như vậy, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà người sử dụng hình ảnh của người khuyết tật nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự sẽ có thể bị phạt tù lên đến 05 năm tù giam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?