Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài hiện nay là bao nhiêu? Mức lệ phí tối đa được quy định thế nào?
Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài bao gồm những giấy tờ gì?
Trước khi thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, bạn cần phải chuẩn bị kĩ các hồ sơ sau:
- Đối với giấy tờ phải xuất trình (Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
+ Hộ chiếu/CCCD (CMND) hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp (còn giá trị sử dụng) để chứng minh về nhân thân của công dân Việt Nam.
+ Hộ chiếu/Giấy tờ đi lại quốc tế/Thẻ cư trú của người nước ngoài còn giá trị sử dụng.
- Đối với giấy tờ phải nộp (Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP):
+ Tờ khai Đăng ký kết hôn
+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch 2014 chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.
+ Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
+ Ngoài giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
*Lưu ý: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật”.
Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài hiện nay là bao nhiêu? Mức lệ phí tối đa được quy định thế nào?
Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài tối đa 1.500.000?
Lệ phí kết hôn được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư 85/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 3 Điều 1 Thông tư 106/2021/TT-BTC. Lệ phí kết hôn tại UBND huyện sẽ do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định (tùy thuộc vào từng địa phương sẽ có lệ phí khác nhau, nhưng nhìn chung lệ phí kết hôn rơi khoảng từ 1.000.000-1.500.000 đồng.
Ví dụ: Đà Nẵng có lệ phí 1.500.000 đồng (Nghị quyết 341/2020/NQ-HĐND), Bắc Giang 1.000.000 (Nghị quyết 11/2022/NQ-HĐND)...
Công dân Việt Nam muốn đăng ký kết hôn với người nước ngoài phải thực hiện thủ tục gì?
Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 31 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết (khoản 2 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014).
- Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn ( khoản 2 Điều 31 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
- Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. (khoản 3 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
- Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.
*Lưu ý: Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp có thể gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày ký Giấy chứng nhận kết hôn theo văn bản đề nghị của Phòng Tư pháp.
Hết 60 ngày mà hai bên không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Giấy chứng nhận kết hôn đã ký sẽ bị hủy (khoản 3 Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu báo cáo thành tích công đoàn 2024 dành cho tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Giỏi việc nước đảm việc nhà 2024?
- Pháp điển là gì? Bộ pháp điển là gì? phapdien moj Hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển cụ thể thế nào?
- Mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Văn hóa thể thao 2024? Tải mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở ở đâu?
- Thông tư 27/2024 về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hồ sơ đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án đầu tư công trình năng lượng?
- 'Phông bạt từ thiện' là gì? Sửa chữa, làm giả bill chuyển khoản nhưng không gây thiệt hại có vi phạm pháp luật?