Lập công lớn trong trách nhiệm hình sự được hiểu như thế nào? Có được miễn chấp hành hình phạt tù do lập công lớn?
Lập công lớn trong trách nhiệm hình sự được hiểu như thế nào?
Căn cứ khoản 9 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP quy định như sau:
“Lập công lớn” là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
Lập công lớn trong trách nhiệm hình sự được hiểu như thế nào? Có được miễn chấp hành hình phạt tù do lập công lớn? (Hình từ Internet)
Có miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội lập công lớn không?
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định:
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
...
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
...
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Theo đó người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi:
+ Trước khi bị phát giác người này đã ra tự thú và khai rõ sự việc có góp phần vào quá trình phát hiện điều tra tội phạm;
+ Người này có cố gắng hạn chế hậu quả đến mức thấp nhất
+ Lập công lớn hoặc có cống hiến được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người lập công lớn có thể miễn chấp hành hình phạt, giảm hình phạt không?
Căn cứ khoản 3 và khoản 5 Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về miễn chấp hành hình phạt đối với người lập công lớn như sau:
Miễn chấp hành hình phạt
...
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
...
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Như vậy, trong hai trường hợp trên, người phạm tội đã lập công lớn có thể được miễn chấp hành hình phạt.
Về việc giảm mức hình phạt, căn cứ quy định tại Điều 105 Bộ luật Hình sự 2015 có về việc người lập công lớn có thể được giảm mức hình phạt đã tuyên, cụ thể:
Giảm mức hình phạt đã tuyên
...
3. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có quy định:
Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ
...
2. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Người lập công lớn có thể thoát án tử hình khi nào?
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định một trường hợp người phạm tội có thể thoát án tử khi có yếu tố lập công lớn như sau:
Tử hình
...
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Như vậy, chỉ đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ thì người phạm tội thì yếu tố lập công lớn mới có thể được xem xét làm căn cứ không áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó người này còn phải đáp ứng điều kiện đã nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ có được.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?
- Cá nhân kinh doanh khai sai căn cứ tính thuế không bị xử phạt hành chính trong trường hợp nào theo quy định?
- Lịch bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 như thế nào? Thời gian bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 ra sao?
- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức áp dụng từ 20 11 2024 theo Quyết định 2410 QĐ-NHNN?