Lạm dụng chức vụ quyền hạn là gì? Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có mấy khung hình phạt?
Lạm dụng chức vụ quyền hạn là gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có quy định như sau:
Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
...
5. “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.
Theo đó, hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn được quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.
Ví dụ minh họa: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. A chỉ được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vẫn ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.
Lạm dụng chức vụ quyền hạn là gì? Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có mấy khung? (Hình từ Internet)
Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có mấy khung hình phạt?
Căn cứ Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định khung hình phạt với Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
- Khung 1: phạt tù từ 01 năm đến 06 năm đối với người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Khung 2: Phạt tù từ 06 - 13 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
- Khung 3: Phạt tù từ 13 - 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỷ đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 03 - dưới 05 tỷ đổng;
+ Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Khung 4: Phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ là gì?
Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có quy định nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng là:
- Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
- Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
- Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
+ Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
+ Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
+ Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí NSNN để mua sắm tài sản trang thiết bị mới nhất?
- Danh sách kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2024 chính thức? Xem toàn bộ danh sách ở đâu?
- Loại gỗ nào thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu? Ai có thẩm quyền cho phép xuất khẩu loại gỗ này?
- Thưởng cuối năm là gì? Công ty phải thưởng cuối năm cho nhân viên? Tiền thưởng cuối năm có đóng thuế TNCN?
- Báo cáo kế hoạch đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công là gì? Thời hạn gửi báo cáo trung hạn vốn NSNN?