Hành vi xâm phạm đến người chết có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Có thể đòi bồi thường đối với hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả không?
Hành vi xâm hại đến người không còn sống có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nhằm loại bỏ hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự, trị an trong địa phương, xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bộ luật Hình sự 2015 không chỉ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người đang sống mà còn có những quy định xử phạt những hành vi xâm hại đến người đã chết. Bởi lẽ, nước ta có tồn tại nhiều phong tục, truyền thống liên quan đến việc mai táng và tưởng nhớ người đã chết.
Cụ thể tại Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả và hài cốt sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 07 năm như sau:
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Có thể thấy, Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu theo cách thông thường thì đây là hành vi xâm phạm, tác động đến sự toàn vẹn, chiếm đoạt, làm biến dạng thi thể, mồ mả, hài cốt như là lấy các bộ phận trên cơ thể, phân xác, hành vi đào, phá mồ mả,...
Hành vi xâm phạm đến người chết có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Có thể đòi bồi thường đối với hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả không? (Hình từ Internet)
Có thể đòi bồi thường đối với hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả không?
Điều 606 và Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm thi thể và mồ mả như sau:
Điều 606. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể
1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường khi thi thể bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều 607. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, đối với hai hành vi xâm phạm thi thể và xâm phạm mồ mả, thân nhân của người đã chết có quyền kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong đó, bao gồm các khoản bồi thường về vật chất (chi phí khắc phục) và bồi thường về mặt tinh thần (trường hợp không thỏa thuận được thì khoản bồi thường này không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định). Tuy nhiên, khoản bồi thường tổn thất tinh thần này chỉ được áp dụng đối với một số chủ thể nhất định.
Cấu thành của tội Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt?
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có các cấu thành sau đây:
- Khách thể: Xâm phạm vào trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đối với thi thể, mồ mả, hài cốt của người đã chết.
- Mặt khách quan:
Một số hành vi xâm phạm thi thể như là: Lấy trộm bộ phận của xác chết khi không được phép, phân xác người chết, đốt xác khi chưa được sự đồng ý...
Một số hành vi xâm phạm mồ mả: Đập phá phần mồ mả, bới móc tài sản được đặt bên trong quan tài, lấy các đồ vật có giá trị tại phần mộ...
Một số hành vi xâm phạm hài cốt: Đào bới phần xương hài cốt, đập phá hủ đựng tro cốt...
- Mặt chủ quan: Lỗi cố ý.
- Chủ thể của tội phạm: Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?