Hạch toán tiền mặt trong phát hành và thu hồi đối với tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông như thế nào?
Quy định về việc phát hành tiền mặt thế nào? Tiền được phát hành là tài sản "Nợ" hay "Có"?
Theo quy định hiện nay, ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc phát hành tiền được quy định tại Điều 11 Nghị định 40/2012/NĐ-CP như sau:
Phát hành tiền
1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện phát hành tiền vào lưu thông và thu tiền từ lưu thông về thông qua hoạt động thu, chi tiền mặt và các hoạt động nghiệp vụ khác của Ngân hàng Nhà nước.
2. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước trên cơ sở số dư tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, để xác định tiền được phát hành là tài sản "Nợ" hay "Có". Căn cứ vào Điều 17 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 như sau:
Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, theo khoản 4 Điều 17 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 nêu trên, khi được phát hành vào lưu thông, tiền được xác định là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế.
Hạch toán tiền mặt trong phát hành và thu hồi đối với tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông như thế nào?
Hạch toán phát hành tiền mặt được thực hiện theo quy định mới ra sao?
Căn cứ theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 25/2022/TT-NHNN, việc hạch toán tiền mặt khi phát hành được thực hiện như sau:
Căn cứ chứng từ lĩnh tiền mặt (séc, giấy lĩnh tiền, phiếu chi), hạch toán, vào nhật ký quỹ:
Nợ TK thích hợp (Tiền gửi, Các khoản phải trả bên ngoài khác,….)
Có TK 10100201 - Tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông
Sau đó, chuyển chứng từ cho bộ phận kho quỹ chi tiền
Đối với trường hợp thu phí rút tiền mặt định kỳ, bộ phận kế toán lập chứng từ hạch toán:
Nợ TK thích hợp (tiền gửi, …)
Có TK 708002 - Thu dịch vụ ngân quỹ
Như vậy, khi phát hành tiền mặt vào lưu thông (chi từ Quỹ nghiệp vụ phát hành), việc hạch toán tiền mặt được thực hiện theo nội dung nêu trên.
Thế nào là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông? Hạch toán tiền mặt khi thu hồi tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-NHNN, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được xác định là các loại tiền giấy (tiền cotton và tiền polymer), tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, đang lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng theo quy định về tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được quy định tại Thông tư 25/2013/TT-NHNN.
Dẫn chiếu đến Điều 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN, tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông bao gồm:
- Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (nhóm nguyên nhân khách quan):
+ Tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền;
+ Tiền kim loại bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn, chữ, số và lớp mạ trên đồng tiền.
- Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản (nhóm nguyên nhân chủ quan):
+ Tiền giấy bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; giấy in, màu sắc, đặc điểm kỹ thuật bảo an của đồng tiền bị biến đổi do tác động của hóa chất (như chất tẩy rửa, axít, chất ăn mòn...); viết, vẽ, tẩy xóa; đồng tiền bị mục hoặc biến dạng bởi các lý do khác nhưng không do hành vi hủy hoại;
+ Tiền kim loại bị cong, vênh, thay đổi định dạng, hình ảnh thiết kế do tác động của ngoại lực hoặc nhiệt độ cao; bị ăn mòn do tiếp xúc với hóa chất.
- Tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất như giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 18 Thông tư 25/2022/TT-NHNN hạch toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông được thực hiện như sau:
Căn cứ chứng từ nộp tiền đã có chữ ký của thủ quỹ và đóng dấu “đã thu tiền” do bộ phận kho quỹ chuyển sang, bộ phận kế toán hạch toán:
Nợ TK 10100202 - Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông
Có TK thích hợp
Như vây, việc hạch toán tiền mặt trong trường hợp thu hồi tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông được thực hiện theo nội dung trên.
Thông tư 25/2022/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trong công đoàn theo Quyết định 684?
- Dấu hợp quy được sử dụng như thế nào? Tổ chức công bố hợp quy sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa khi nào?
- 09 Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Thông tư 53?
- Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thực hiện với nguồn phát thải khí nhà kính nào?
- Chi phí bán hàng là gì? Cách hạch toán chi phí bán hàng theo Thông tư 200? Tài khoản chi phí bán hàng?