Đối tượng nào được thanh tra? Trách nhiệm của đối tượng thanh tra trong quá trình thanh tra là gì?
Đối tượng nào được thanh tra?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Luật Thanh tra 2022, khái niệm đối tượng thanh tra được định nghĩa như sau:
Giải thích từ ngữ
...
9. Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra.
Kết hợp với khái niệm thanh tra tại khoản 1 Điều 2 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Giải thích từ ngữ
...
1. Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, từ những nội dung định nghĩa trên có thể hiểu: Đối tượng thanh tra là cá nhân, tổ chức, cơ quan bị xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Theo Luật Thanh tra 2022 các đối tượng thanh tra được bảo vệ hoạt động bình thường của mình trong suốt quá trình hoạt động thanh tra.
Cụ thể tại Điều 4 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Nguyên tắc hoạt động thanh tra
1. Tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.
2. Không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
3. Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.
Như vậy, dù là đối tượng hướng đến của hoạt động thanh tra nhưng cá nhân, tổ chức, cơ quan bị thanh tra vẫn được đảm bảo thực hiện các hoạt động bình thường.
Đối tượng nào được thanh tra? Trách nhiệm của đối tượng thanh tra trong quá trình thanh tra là gì? (Hình từ Internet)
Đối tượng thanh tra có những quyền và nghĩa vụ nào?
Theo Điều 92 Luật Thanh tra 2022, quyền của đối tượng thanh tra được quy định như sau:
Quyền của đối tượng thanh tra
1. Đối tượng thanh tra có quyền sau đây:
a) Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;
b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác;
c) Yêu cầu bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, Điều 93 Luật Thanh tra 2022 xác định 03 nghĩa vụ sau:
- Chấp hành quyết định thanh tra;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người tiến hành thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
- Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của người tiến hành thanh tra và của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Như vậy, các chủ thể là đối tượng thanh tra sẽ có các quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra nêu trên.
Trong hoạt động thanh tra, trách nhiệm của đối tượng thanh tra như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Luật Thanh tra 2022 và khoản 3 Điều 104 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Đối tượng thanh tra phải thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn.
Đối với những nội dung trong kết luận thanh tra mà chưa thực hiện được ngay, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra phải xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra trình người có thẩm quyền, trong đó nêu rõ tiến độ và giải thích lý do.
...
3. Đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với cấp có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan thanh tra.
Như vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra, đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện:
- Kết luận thanh tra đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn;
Trong trường hợp không thực hiện kịp thời: Đối tượng thanh tra cần xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra trình người có thẩm quyền, nêu rõ tiến độ và giải thích lý do.
Thời gian để xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra là 10 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra.
- Báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với cấp có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan thanh tra.
Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dịch vụ ngân quỹ là gì? Những nội dung tối thiểu cần có trong hợp đồng cung ứng dịch vụ ngân quỹ?
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?