Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác theo quy định mới nhất là gì?
Ngày 30/6/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt.
Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định:
Điều kiện cấp giấy phép lái tàu
Người được cấp giấy phép lái tàu phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác
a) Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp;
c) Phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 27 của Thông tư này; 12 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 của Thông tư này;
d) Đã qua kỳ sát hạch và được hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu (sau đây gọi là hội đồng sát hạch) đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư này.
Như vậy, có 04 điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác bao gồm:
- Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp;
- Phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên đối với giấy phép lái đầu máy diesel, giấy phép lái đầu máy điện, giấy phép lái đầu máy hơi nước; 12 tháng trở lên đối với giấy phép lái phương tiện chuyên dùng;
- Đã qua kỳ sát hạch và được hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu đánh giá đạt yêu cầu theo quy định;....
Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác theo quy định mới nhất là gì? (Hình internet)
Điều kiện cấp giấy phép lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định:
Điều kiện cấp giấy phép lái tàu
Người được cấp giấy phép lái tàu phải đáp ứng các điều kiện sau:
...
2. Đối với lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam
a) Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; hoặc bằng hoặc chứng chỉ lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do tổ chức nước ngoài cấp qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án;
c) Đủ điều kiện sát hạch và được hội đồng sát hạch đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư này
Như vậy, có 03 điều kiện cấp giấy phép lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam được nêu trên.
Thực hiện thủ tục đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái tàu như thế nào?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 30 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định:
Thủ tục cấp giấy phép lái tàu cho lái tàu trên các tuyến đường
sắt đang khai thác
1. Hồ sơ đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái tàu
a) Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử văn bản đề nghị tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái tàu của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt (sau đây gọi là doanh nghiệp) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Hồ sơ của cá nhân:
Bản gốc hoặc bản điện tử đơn đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái tàu theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
Bản gốc hoặc bản điện tử hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực bằng hoặc chứng chỉ chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch;
03 ảnh màu cỡ 3x4cm ảnh chụp hoặc ảnh điện tử chụp trong thời hạn không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
2. Các hình thức nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ về cơ quan cấp giấy phép lái tàu theo một trong các hình thức sau:
a) Nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa;
b) Nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia;
c) Nộp qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.
...
Như vậy, hồ sơ đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái tàu gồm các giấy tờ nêu trên.
Và có 03 hình thức nộp hồ sơ về cơ quan cấp giấy phép lái tàu sau:
- Nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa;
- Nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia;
- Nộp qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.
Thông tư 15/2023/TT-BGTVT sẽ có hiệu lực từ 01/9/2023
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?
- Phụ lục Các nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo Thông tư 10? Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng?