Để lộ thông tin tín dụng CIC cá nhân bị xử phạt như thế nào? Đối tượng nào được khai thác thông tin tín dụng CIC cá nhân?
Đối tượng nào được khai thác thông tin tín dụng CIC cá nhân?
CIC (được viết tắt của cụm từ Credit Information Center) là Trung tâm Thông tin Tín Dụng, tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hiện tại, thông tin tín dụng thực hiện theo quy định Thông tư 03/2013/TT-NHNN về quy định hoạt động thông tin tín dụng (hay còn được gọi là thông tin tín dụng CIC)
Trong đó, theo giải thích tại Điều 3 Thông tư 03/2013/TT-NHNN thì thông tin tín dụng là các thông tin về khách hàng vay và những thông tin liên quan đến khách hàng vay tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về đối tượng được thông tin tín dụng CIC cá nhân được quy định tại Điều 10 Thông tư 03/2013/TT-NHNN được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 27/2017/TT-NHNN , bao gồm:
(1) Cơ quan quản lý nhà nước khai thác sản phẩm thông tin tín dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ về thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; điều tra, thống kê xã hội và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
(2) Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước khai thác sản phẩm thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
(3) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khai thác dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác.
(4) Các tổ chức tự nguyện khai thác dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ cho mục đích đánh giá khách hàng và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
(5) Khách hàng vay khai thác dịch vụ thông tin tín dụng để kiểm tra thông tin về bản thân và phục vụ mục đích khác theo quy định của pháp luật.
(6) Ngoài đối tượng quy định tại các khoản trên, tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó.
(7) Các tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài được khai thác các sản phẩm thông tin tín dụng về doanh nghiệp, bao gồm những thông tin được công khai theo quy định của pháp luật trên cơ sở biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ ký kết với CIC.
Để lộ thông tin tín dụng CIC cá nhân bị xử phạt như thế nào? Đối tượng nào được khai thác thông tin tín dụng CIC cá nhân? (Hình từ Internet)
Nhân viên ngân hàng để lộ thông tin tín dụng CIC cá nhân bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về bảo mật thông tin:
Bảo mật thông tin
1. Người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ thông tin khách hàng, bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
...
Đồng thời theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 03/2013/TT-NHNN cấm việc trao đổi thông tin tín dụng CIC cho cá nhân khác. Cụ thể:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng
1. Thu thập, cung cấp, sử dụng trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
2. Cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Cung cấp thông tin tín dụng cho tổ chức, cá nhân không liên quan, bất hợp pháp.
4. Lợi dụng các hoạt động thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
5. Cản trở hoạt động thu thập và khai thác thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
6. Cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho các đối tượng không được quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Theo đó, hành vi để lộ thông tin dụng CIC cá nhân cho tổ chức, cá nhân không liên quan, không thuộc các đối tượng được khai thác thông tin tín dụng CIC tại Điều 10 Thông tư 03/2013/TT-NHNN là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thông tin tín dụng.
Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi để lộ thông tin tín dụng CIC cá nhân sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường khi gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
(1) Xử lý kỷ luật: Cá nhân vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng có thể sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng từ khiển trách tới chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại (nếu có).
(2) Xử phạt hành chính:
Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP và quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
(3) Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì nhân viên ngân hàng làm lộ thông tin khách hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị áp dụng hình phạt lên đến 07 năm tù.
Quy định về thời gian cung cấp thông tin tín dụng theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 03/2013/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 27/2017/TT-NHNN) và Điều 8 Thông tư 03/2013/TT-NHNN thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp cho CIC toàn bộ Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng theo thời gian cụ thể sau:
(1) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin nhận dạng: cung cấp dữ liệu phát sinh chậm nhất sau 03 ngày làm việc khi có khách hàng vay mới hoặc khi có tối thiểu một chỉ tiêu trong nhóm thay đổi nội dung.
(2) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin hợp đồng tín dụng: cung cấp dữ liệu phát sinh chậm nhất sau 03 ngày làm việc khi có khách hàng vay mới hoặc khi có tối thiểu một chỉ tiêu trong nhóm thay đổi nội dung.
(3) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin quan hệ tín dụng: cung cấp thông tin chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của tháng liền kề trước đó.
(4) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng: cung cấp thông tin chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của tháng liền kề trước đó.
(5) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin bảo đảm tiền vay: cung cấp thông tin chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của tháng liền kề trước đó.
(6) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin tài chính năm của khách hàng vay là doanh nghiệp, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo quy định của Bộ Tài chính: cung cấp thông tin trước ngày 30 tháng 4 của năm tiếp theo; cung cấp dữ liệu phát sinh chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ khi có khách hàng vay mới.
(7) Đối với nhóm chỉ tiêu về thông tin đầu tư trái phiếu vào khách hàng vay là doanh nghiệp: cung cấp thông tin chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của tháng liền kề trước đó.
Lưu ý: Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cung cấp dữ liệu phát sinh trong tháng chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của tháng liền kề trước đó.
Lưu ý: Thông tư 03/2013/TT-NHNN có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024 và được thay thế bởi Thông tư 15/2023/TT-NHNN áp dụng từ ngày 01/01/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Truyện 18+ là gì? Viết truyện 18+ có bị coi là vi phạm pháp luật? Nếu có thì có bị phạt tù không?
- Trách nhiệm cá nhân với hạn chế tập thể tại Bản kiểm điểm đảng viên cuối năm ghi như thế nào? Căn cứ kiểm điểm đảng viên?
- Cần làm gì khi nghi người khác lấy cắp đồ mà không được khám xét người? Ai có thẩm quyền khám xét người?
- Mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình trọn gói mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật có bắt buộc phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản không?