Cách xử lý hóa đơn điện tử khi trả lại hàng hoá dịch vụ từ 01/6/2025 như thế nào? Các trường hợp nào phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử?
Cách xử lý hóa đơn điện tử khi trả lại hàng hoá dịch vụ từ 01/6/2025 như thế nào?
Quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp trả lại hàng hoá dịch vụ từ 01/6/2025 như sau:
- Trường hợp trả lại hàng hóa:
+ Trường hợp người mua trả lại toàn bộ hoặc một phần hàng hóa (bao gồm cả trường hợp đổi hàng làm thay đổi giá trị của hàng hóa đã mua) thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua lập hóa đơn khi trả lại hàng hóa thì người mua lập hóa đơn điện tử giao cho người bán.
+ Người bán, người mua thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định khi bán hàng hóa.
- Trường hợp hàng hoá là tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu:
Trường hợp tài sản đã được đăng ký theo tên người mua thì khi trả lại hàng hoá đảm bảo phù hợp với pháp luật liên quan, nếu người mua là đối tượng sử dụng hoá đơn điện tử thì người mua thực hiện lập hoá đơn trả lại hàng cho người bán.
- Trường hợp hoàn phí, giảm phí, giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm và các khoản chi để giảm thu khác
Người bán lập hóa đơn điều chỉnh giao cho khách hàng tham gia bảo hiểm, không phân biệt đã chi tiền hay chưa chi tiền căn cứ vào:
+ Hóa đơn đã lập và biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được hoàn, giảm (không bao gồm thuế giá trị gia tăng)
+ Số tiền thuế giá trị gia tăng theo hóa đơn thu phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thu (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn)
+ Lý do hoàn, giảm phí bảo hiểm
Trên hóa đơn ghi rõ số tiền phí bảo hiểm hoàn, giảm, lý do hoàn, giảm. Biên bản này được lưu giữ cùng với hóa đơn thu phí bảo hiểm tại doanh nghiệp và xuất trình khi có yêu cầu.
Lưu ý: Người bán, người mua phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc trả lại hàng hoá, dịch vụ và phải xuất trình khi được yêu cầu.
Trường hợp người bán đã lập hóa đơn khi thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ hoặc lập hóa đơn thu tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, nhà chuyển nhượng sau đó phát sinh việc huỷ hoặc chấm dứt giao dịch và hủy một phần việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập như sau:
- Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập sai.
- Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Cách xử lý hóa đơn điện tử khi trả lại hàng hoá dịch vụ từ 01/6/2025 như thế nào? Các trường hợp nào phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử? (Hình ảnh từ Internet)
Các trường hợp nào phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP) quy định trường hợp phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp cơ quan thuế xác minh và thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tạm ngừng kinh doanh; tạm ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo văn bản gửi cơ quan thuế (Mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục 1A ban hành kèm Nghị định 70/2025/NĐ-CP); hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi phương pháp từ kê khai sang phương pháp khoán hoặc nộp thuế theo từng lần phát sinh theo thông báo của cơ quan thuế;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện cưỡng chế nợ thuế;
- Trường hợp có hành vi sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
- Trường hợp có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, khởi tố và thông báo cho cơ quan thuế; cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án có văn bản đề nghị cơ quan thuế ngừng sử dụng hóa đơn điện tử của tổ chức, cá nhân nêu trên;
- Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có thay đổi ngành nghề kinh doanh dẫn đến không đáp ứng điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế ngừng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền;
- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế xác định người nộp thuế có hành vi trốn thuế, người nộp thuế được thành lập để thực hiện mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để trốn thuế theo quy định thì cơ quan thuế ban hành thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử; người nộp thuế bị xử lý theo quy định của pháp luật theo trình tự quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP;
- Trường hợp người nộp thuế thuộc diện rủi ro rất cao theo mức độ rủi ro người nộp thuế thì cơ quan thuế thực hiện ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trách nhiệm của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là gì?
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế như sau:
- Quản lý tên và mật khẩu của các tài khoản đã được cơ quan thuế cấp.
- Tạo lập hóa đơn điện tử về bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ để gửi đến cơ quan thuế cấp mã và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của hóa đơn điện tử.
- Gửi hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đến người mua ngay sau khi nhận được hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Lưu ý: Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/6/2025.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Hội đồng tuyển chọn người có tài năng trong đánh giá cán bộ công chức viên chức có tài năng được quy định như thế nào?
- Mấy giờ bắn pháo hoa 30 4 2025 ở TPHCM? Địa điểm bắn pháo hoa 30 4 ở TPHCM 2025 chi tiết?
- Triển khai xây dựng khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm kinh tế theo Công điện 47 2025 của Thủ tướng Chính phủ?
- Tiểu mục 4918 là gì? Quy định về phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo mục và tiểu mục như thế nào?
- Mẫu hợp đồng thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới nhất năm 2025?