Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan nghiệp vụ công an mới theo chính sách cải cách tiền lương còn xây dựng theo cấp bậc quân hàm không?
- Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan nghiệp vụ công an mới theo chính sách cải cách tiền lương còn xây dựng theo cấp bậc quân hàm không?
- Sĩ quan quân đội, sĩ quan nghiệp vụ công an có những cấp bậc quân hàm nào?
- Cách tính mức lương, phụ cấp và trợ cấp của sĩ quan quân đội hiện nay ra sao?
- Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập thực hiện theo chính sách cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27 ra sao?
Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan nghiệp vụ công an mới theo chính sách cải cách tiền lương còn xây dựng theo cấp bậc quân hàm không?
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Bảng 6 (Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì thời điểm hiện tại sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nghiệp vụ được xếp lương theo cấp bậc quân hàm với hệ số lương tương ứng.
Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vào sáng 10/11. Theo đó, Nghị quyết quyết nghị, từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thống nhất khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 sẽ:
(1) Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
(2) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Theo đó, 03 bảng lương mới được áp dụng đối với lực lượng vũ trang khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 bao gồm:
Bảng lương 1: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
Bảng lương 2: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
Bảng lương 3: Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 thì lương sĩ quan quân đội, sĩ quan công an sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện hành, áp dụng Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an.
Theo đó, mặc dù hệ số lương bị bãi bỏ dẫn đến cách xếp lương theo cấp bậc quân hàm với hệ số lương tương ứng cũng bị bãi bỏ nhưng bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nghiệp vụ vẫn được xây dựng dựa trên cấp bậc quân hàm.
Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nghiệp vụ mới theo chính sách cải cách tiền lương còn xây dựng theo cấp bậc quân hàm không? (Hình ảnh từ Internet)
Sĩ quan quân đội, sĩ quan nghiệp vụ công an có những cấp bậc quân hàm nào?
Căn cứ theo quy định tại tại khoản 1 Điều 21 Luật Công an nhân dân 2018 thì sĩ quan nghiệp vụ công an có các cấp bậc hàm sau:
(1) Sĩ quan cấp tướng có 04 bậc:
Đại tướng;
Thượng tướng;
Trung tướng;
Thiếu tướng;
(2) Sĩ quan cấp tá có 04 bậc:
Đại tá;
Thượng tá;
Trung tá;
Thiếu tá;
(3) Sĩ quan cấp úy có 04 bậc:
Đại úy;
Thượng úy;
Trung úy;
Thiếu úy;
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 thì hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan gồm ba cấp, mười hai bậc:
(1) Cấp Uý có bốn bậc:
Thiếu uý;
Trung uý;
Thượng uý;
Đại uý.
(2) Cấp Tá có bốn bậc:
Thiếu tá;
Trung tá;
Thượng tá;
Đại tá.
(3) Cấp Tướng có bốn bậc:
Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;
Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân;
Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;
Đại tướng.
Cách tính mức lương, phụ cấp và trợ cấp của sĩ quan quân đội hiện nay ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 41/2023/TT-BQP thì mức lương, phụ cấp và trợ cấp của sĩ quan quân đội hiện nay được tính như sau:
- Mức lương cơ sở: 1.800.000 đồng/tháng.
- Cách tính mức lương, phụ cấp quân hàm, hệ số chênh lệch bảo lưu và phụ cấp, trợ cấp của sĩ quan quân đội như sau:
(*) Mức lương
Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2023 | = | Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng | x | Hệ số lương hiện hưởng |
(*) Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu
Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01/7/2023 | = | Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng | x | Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng |
(*) Mức phụ cấp tính theo mức lương cơ sở
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 | = | Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng | x | Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định |
(*) Mức phụ cấp tính theo tỷ lệ %
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 | = | (Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2023 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01/7/2023+ Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01/7/2023) | x | Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định |
(*) Mức trợ cấp tính theo mức lương cơ sở
Mức trợ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2023 | = | Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng | x | Số tháng được hưởng trợ cấp theo quy định |
Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập thực hiện theo chính sách cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27 ra sao?
Căn cứ theo hướng dẫn tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập thực hiện như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
- Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?
- Trong hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung gì?
- Nguyên tắc bố trí kinh phí NSNN cải tạo nâng cấp hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng?