Hồ sơ, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư 500 tỷ đồng thế nào?
- Báo chí có phải ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện?
- Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư ra nước ngoài 500 tỷ đồng do ai chấp thuận chủ trương đầu tư?
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư 500 tỷ đồng thế nào?
Báo chí có phải ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện?
Báo chí là một trong những ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện theo điểm d khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư 2020.
Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong ngành, nghề báo chí được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 72 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định điều kiện đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện như sau:
Đối với ngành, nghề báo chí, nhà đầu tư là tổ chức đã được cấp phép hoạt động báo chí tại Việt Nam và được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí được quy định tại Điều 17 Luật Báo chí 2016, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 như sau:
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí
1. Xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, Mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử).
2. Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí; có người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật này để đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí.
3. Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử.
4. Có trụ sở và các Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam; đối với báo nói, báo hình phải có phương án, kế hoạch thuê hoặc sử dụng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng.
5. Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư ra nước ngoài 500 tỷ đồng do ai chấp thuận chủ trương đầu tư?
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư 2020.
Theo đó, trừ các dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định sẽ do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, thì Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư ra nước ngoài 500 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư 500 tỷ đồng thế nào?
Hồ sơ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư ra nước ngoài 500 tỷ đồng theo khoản 1 Điều 58 Luật Đầu tư 2020 quy định gồm:
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư là bản sao hợp lệ giấy tờ xác nhận việc thành lập, hoạt động của tổ chức kinh tế, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thành lập, Quyết định thành lập hoặc các tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương đối với tổ chức.
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư;
+ Xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn;
+ Tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có);
+ Phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:
+ Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;
+ Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;
+ Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;
+ Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
+ Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
- Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài;
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề báo chí, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc lĩnh vực báo chí có vốn đầu tư 500 tỷ đồng như sau:
Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định bằng văn bản về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài;
- Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
- Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn;
- Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 Luật Đầu tư 2020 gồm:
- Nhà đầu tư thực hiện dự án;
- Mục tiêu, địa điểm đầu tư;
- Vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài;
- Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?