Hộ chiếu nước ngoài cấp có cần hợp pháp hóa lãnh sự không? Hợp pháp hóa lãnh sự được pháp luật quy định thế nào?
Hợp pháp hóa lãnh sự được pháp luật quy định thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định như sau:
"2. Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam."
Theo đó, hợp pháp hóa lãnh sự được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Hợp pháp hóa lãnh sự (Hình từ Internet)
Hộ chiếu nước ngoài cấp có cần hợp pháp hóa lãnh sự không?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính như sau:
"Điều 20. Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính
1. Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực.
Trong trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
..."
Căn cứ Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định như sau:
"Điều 6. Về yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp
Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như hộ chiếu, thẻ căn cước, thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính. Trường hợp yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ này cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự."
Đối chiếu quy định trên, việc chứng thực bản sao từ bản chính đối với hộ chiếu không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc này chỉ áp dụng đối với thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính.
Một số trường hợp vẫn có thể yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với hộ chiếu tuỳ từng thủ tục cụ thể mà thực hiện.
Các giấy tờ, tài liệu nào được miễn chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự như sau:
"Điều 9. Các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự
1. Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
2. Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
3. Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài."
Theo đó, các giấy tờ và tài liệu nêu trên được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
Những loại giấy tờ, tài liệu không được hợp pháp hóa lãnh sự được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định các giấy tờ, tài liệu không được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự như sau:
"Điều 10. Các giấy tờ, tài liệu không được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự
1. Giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa nhưng không được đính chính theo quy định pháp luật.
2. Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự có các chi tiết mâu thuẫn nhau.
3. Giấy tờ, tài liệu giả mạo hoặc được cấp, chứng nhận sai thẩm quyền theo quy định pháp luật.
4. Giấy tờ, tài liệu có chữ ký, con dấu không phải là chữ ký gốc, con dấu gốc.
5. Giấy tờ, tài liệu có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam."
Theo đó, các giấy tờ và tài liệu nêu trên không được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
Hợp pháp hóa lãnh sự quy định mức thu phí là bao nhiêu?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 157/2016/TT-BTC thì chi phí cho việc hợp pháp hóa lãnh sự như sau:
"Điều 5. Mức thu phí
1. Mức thu phí chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự, như sau:
a) Chứng nhận lãnh sự: 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/lần.
b) Hợp pháp hóa lãnh sự: 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/lần.
c) Cấp bản sao giấy tờ, tài liệu: 5.000 (năm nghìn) đồng/lần.
2. Phí chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự thu bằng Đồng Việt Nam (VNĐ)."
Theo đó, việc hợp pháp hóa lãnh sự được tính 30.000 đồng cho một lần thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?
- Phụ lục Các nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo Thông tư 10? Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng?