Hành vi pháp lý đơn phương là gì? So sánh giữa Hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương? Có gì giống và khác nhau?
Hành vi pháp lý đơn phương là gì?
Tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 có đề cập về hành vi pháp lý đơn phương như sau:
Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, về mặt định nghĩa "Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm pháp sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Theo quy định của pháp luật dân sự có các loại hành vi pháp lý đơn phương sau: hứa thưởng, thi có giải và lập di chúc.
Ví dụ: C hứa sẽ thưởng cho ai tìm được con chó bị mất của mình 10 triệu đồng – đây là một dạng của hành vi pháp lý đơn phương. Ví dụ khác, trước khi chết ông E lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho các con sau khi chết – cũng là một hành vi pháp lý đơn phương theo quy định của pháp luật dân sự.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch
Hành vi pháp lý đơn phương là gì? So sánh giữa Hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương? Có gì giống và khác nhau? (hình từ internet)
Phân biệt giữa hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương?
Về bản chất, hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương đều là giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương đều làm xác lập quyền dân sự và nghĩa vụ (theo Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015).
Khác nhau:
Tiêu chí | Hợp đồng | Hành vi pháp lý đơn phương |
Số lượng chủ thể tham gia | Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015). > > Hai hoặc nhiều chủ thể | Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm pháp sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. > > Một chủ thể |
Thời điểm phát sinh hiệu lực | Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. | Hành vi pháp lý đơn phương có hiệu lực từ thời điểm chủ thể thực hiện hành vi thực hiện hành vi đó. Ví dụ: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm người lập di chúc qua đời. Hứa thưởng có hiệu lực từ thời điểm người hứa thưởng đưa ra lời hứa. |
Pháp luật điều chỉnh | Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. | Pháp luật áp dụng đối với hành vi pháp lý đơn phương là pháp luật của nước nơi cá nhân xác lập hành vi đó cư trú hoặc nơi pháp nhân xác lập hành vi đó được thành lập (Điều 684 Bộ luật Dân sự 2015). |
Ví dụ | Hợp đồng mua bán, hợp đồng lao động, hợp đồng ủy thác | Di chúc, hứa thưởng, thi có giải |
Khi nào một hành vi pháp lý đơn phương có hiệu lực?
Như đã phân tích ở trên, hành vi pháp lý đơn phương cũng là một dạng của giao dịch dân sự nên cần tuân theo quy định về giao dịch dân sự.
Cụ thể, một hành vi pháp lý đơn phương sẽ có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, hành vi pháp lý đơn phương có hiệu lực cần đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Về mục đích của hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi đó (Điều 118 Bộ luật Dân sự 2015).
Về hình thức của hành vi pháp lý đơn phương sẽ tuân theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015.
Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thể lệ cuộc thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 thế nào?
- Có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi được giao thêm đất theo Luật Đất đai mới đúng không?
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?