Hành vi chiếm đất đồi núi tự ý san gạt đất đồi núi chưa sử dụng xây dựng nhà tạm bị xử phạt như thế nào?
- Đất đồi núi chưa sử dụng thuộc nhóm đất nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
- Tự ý san gạt đất đồi núi chưa sử dụng xây dựng nhà tạm có được xem là hành vi chiếm đất bị cấm không?
- Hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng bị xử phạt như thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng nêu trên không?
Đất đồi núi chưa sử dụng thuộc nhóm đất nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Tại Điều 58 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định quản lý đất chưa sử dụng như sau:
"1. Đất chưa sử dụng gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.
2. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng."
Căn cứ theo khoản 3 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định phân loại đất như sau:
"3. Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng."
Như vậy, đất đồi núi chưa sử dụng thuộc nhóm đất chưa sử dụng theo quy định nêu trên.
Hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng
Tự ý san gạt đất đồi núi chưa sử dụng xây dựng nhà tạm có được xem là hành vi chiếm đất bị cấm không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP giải thích:
"2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật."
Tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
"1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai."
Theo đó, việc tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép là một trong các trường hợp chiếm đất theo quy định nêu trên. Việc tự ý san gạt đất đồi núi chưa sử dụng xây dựng nhà tạm được xem là hành vi chiếm đất bị cấm.
Hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng bị xử phạt như thế nào?
Tại khoản 1, khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định:
"Điều 14. Lấn, chiếm đất
1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
...
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này."
Theo đó, trường hợp lấn, chiếm đất đồi núi chưa sử dụng do Ủy ban nhân dân xã quản lý tùy vào diện tích đất lấn chiếm mà có mức xử phạt tương ứng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lấn chiếm trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng nêu trên không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:
"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm."
Theo đó, tùy vào mức xử phạt đối với hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?
- Trong hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung gì?
- Nguyên tắc bố trí kinh phí NSNN cải tạo nâng cấp hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng?