Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp khi có đủ điều kiện nào theo Nghị định 61?
Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp khi có đủ điều kiện nào?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 61/2025/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện như sau:
Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật, gồm: doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2023; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Có ít nhất 01 người quản lý kỹ thuật có thời gian làm việc trong lĩnh vực truyền tải điện ít nhất 05 năm và có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: kỹ thuật điện, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, tự động hóa hoặc ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật khác.
- Có ít nhất 04 người trực tiếp tham gia công tác vận hành được đào tạo, kiểm tra đáp ứng yêu cầu về vận hành lưới điện truyền tải theo quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; được huấn luyện, sát hạch đáp ứng yêu cầu theo quy định về an toàn điện và đáp ứng điều kiện chuyên môn sau đây:
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành kỹ thuật đối với lưới điện truyền tải có cấp điện áp bằng hoặc lớn hơn 500 kV;
+ Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành kỹ thuật đối với lưới điện truyền tải có cấp điện áp 220 kV.
- Có hạng mục công trình, công trình truyền tải điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực và các quyết định điều chỉnh (nếu có).
- Có dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không cần phải được chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; đối với dự án không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường.
- Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất, giao khu vực biển để thực hiện dự án.
- Có hạng mục công trình, công trình lưới điện truyền tải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Có hạng mục công trình, công trình lưới điện truyền tải được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng.
Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp khi có đủ điều kiện nào theo Nghị định 61? (Hình từ Internet)
Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện là bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 61/2025/NĐ-CP quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực như sau:
Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực
1. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực quy định như sau:
a) Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, lĩnh vực truyền tải điện là 20 năm;
b) Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện là 10 năm.
2. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực được cấp theo thời hạn của giấy phép cũ trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và điểm a, điểm c khoản 3 Điều 32 Luật Điện lực.
3. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp gia hạn không quá thời điểm chuyển giao tài sản, công trình điện lực hoặc thời điểm dự án dừng hoạt động.
...
Theo đó, thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải là 20 năm.
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện?
Căn cứ Điều 22 Nghị định 61/2025/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau:
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Bộ Công Thương phân cấp cho Cục Điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau:
a) Hoạt động phát điện nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện gió ngoài khơi, nhà máy điện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên không phân biệt quy mô công suất và nhà máy có quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phê duyệt: từ 50 MW trở lên đối với nhà máy điện gió gần bờ và trên đất liền, nhà máy điện mặt trời; từ 15 MW trở lên đối với nhà máy điện rác, nhà máy điện sinh khối; từ 05 MW trở lên đối với nguồn điện khác, trừ hoạt động phát điện mặt trời mái nhà;
b) Hoạt động truyền tải điện;
c) Hoạt động phân phối điện có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có quy mô cấp điện áp từ 110 kV trở lên;
...
Theo đó, Bộ Công Thương phân cấp cho Cục Điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hoạt động kinh doanh điện lực nào không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư?
- Việc tuyển sinh vào lớp đầu cấp của trường trung học phổ thông chuyên phải đảm bảo theo các nguyên tắc nào?
- Đảng viên được hiểu như thế nào? Nhiệm vụ quyền hạn của Đảng viên bao gồm những gì theo quy định?
- Thẩm quyền cử cán bộ công chức đi công tác trong nước, ngoài nước của Bộ Tài chính được quy định như thế nào?
- Giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có cần thu thập thông tin phản ánh từ khách hàng không?