Giáo viên có được quyền bắt học sinh chép bài phạt không? Nếu không thì giáo viên bắt học sinh chép bài phạt có bị xử lý kỷ luật hay không?
Giáo viên có được quyền bắt học sinh chép bài phạt không?
Căn cứ khoản 2 Điều 38 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về kỷ luật học sinh như sau:
Khen thưởng và kỷ luật
...
2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo khoản 3 Điều 38 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về kỷ luật học sinh như sau:
Khen thưởng và kỷ luật
...
3. Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Theo quy định trên, khi học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật được quy định tại khoản 2 Điều 38 (đối với học sinh trung học cơ sở, trường trung học phổ thông) và khoản 3 Điều 38 (đối với học sinh tiểu học).
Và trong những biện pháp kỷ luật này không có biện pháp bắt học sinh chép bài phạt.
Do đó, giáo viên không được quyền bắt học sinh chép bài phạt khi học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua.
Bắt học sinh chép bài phạt (Hình từ Internet)
Giáo viên bắt học sinh chép bài phạt thì có bị xử lý kỷ luật hay không?
Theo quy định tại Điều 52 Luật Viên chức 2010 quy định về các hình thức kỷ luật đối với viên chức như sau:
Các hình thức kỷ luật đối với viên chức
1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Buộc thôi việc.
2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.
4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.
5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức.
Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà giáo viên bắt học sinh chép bài phạt có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong những hình thức như khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc.
Hiệu trưởng có quyền xử lý kỷ đối với giáo viên không?
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng như sau:
Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng
...
1. Hiệu trưởng
...
d) Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng:
...
- Thực hiện tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật;
...
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng như sau:
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng
...
d) Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng
...
Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật, hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
...
Theo khoản 2 Điều 12 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về Hội đồng kỷ luật như sau:
Các hội đồng khác trong nhà trường
...
2. Hội đồng kỉ luật
Hội đồng kỉ luật được thành lập để xét hoặc xóa kỉ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo từng vụ việc.Việc thành lập, thành phần và hoạt động của hội đồng kỉ luật được thực hiện theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thì khi giáo viên có sự vi phạm trong quá trình giảng dạy thì Hiệu trưởng có quyền kỷ luật đối với giáo viên này.
Đối với trường tiểu học, khi giáo viên có sự vi phạm trong quá trình giảng dạy thì Hội đồng kỷ luật mới có quyền xét kỷ luật đối với giáo viên này, Hiệu trưởng chỉ được quyền thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ 2025 như thế nào?
- Tỉa chân nhang trước hay sau cúng ông công ông táo 2025? Lưu ý khi rút tỉa chân hương cúng ông công ông táo 2025?
- Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong những trường hợp nào theo Nghị định 175?
- Đối tượng nghỉ hưu trước tuổi được hưởng 3 loại trợ cấp theo Nghị định 178? Hướng dẫn cách tính trợ cấp được hưởng?
- Mẫu Tờ trình thành lập chi bộ mới nhất là mẫu nào? Tải mẫu? Điều kiện thành lập chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở?