Dòng chảy tối thiểu trên sông suối có giá trị trong phạm vi nào? Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông suối?
Dòng chảy tối thiểu trên sông suối có giá trị trong phạm vi nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 03/2024/TT-BTNMT có quy định như sau:
Yêu cầu về giá trị dòng chảy tối thiểu
1. Dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa có giá trị trong phạm vi từ lưu lượng tháng nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m3/s).
Trường hợp có yêu cầu khác với giá trị lưu lượng nêu trên, thì phải căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước để xác định giá trị dòng chảy tối thiểu tại từng vị trí, nhưng mức tăng tối đa không vượt quá lưu lượng trung bình mùa cạn và phải phù hợp với khả năng thực tế của nguồn nước, năng lực vận hành điều tiết nước của đập, hồ chứa; mức giảm tối đa không vượt quá 50% lưu lượng của tháng nhỏ nhất, nhưng phải bảo đảm an toàn cấp nước, an sinh xã hội, môi trường, hệ sinh thái thủy sinh.
...
Theo đó, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông suối có giá trị trong phạm vi từ lưu lượng tháng nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m³/s).
Trong trường hợp có yêu cầu khác về giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông suối thì cần căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật Tài nguyên nước 2023 để xác định giá trị cụ thể.
Tuy nhiên, mức tăng tối đa không vượt quá lưu lượng trung bình mùa cạn và mức giảm tối đa không vượt quá 50% lưu lượng của tháng nhỏ nhất, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố như an toàn cấp nước, an sinh xã hội, môi trường và hệ sinh thái thủy sinh.
Dòng chảy tối thiểu trên sông suối có giá trị trong phạm vi nào? Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông suối? (Hình từ Internet)
Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông suối là vị trí nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 03/2024/TT-BTNMT như sau:
Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu
1. Đối với sông, suối:
a) Vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối được xác định tại một hoặc một số vị trí, cụ thể: vị trí trên sông, suối trước khi nhập lưu với sông, suối khác; vị trí tại trạm thủy văn, trạm quan trắc tài nguyên nước;
b) Ngoài vị trí quy định tại điểm a khoản này, trường hợp có yêu cầu cụ thể về dòng chảy để đảm bảo cho các hoạt động khai thác, sử dụng nước; hoạt động văn hóa, thể thao du lịch; yêu cầu để phòng chống suy thoái, phục hồi nguồn nước hoặc yêu cầu về bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thủy sinh có giá trị kinh tế trên một hoặc nhiều đoạn sông, suối thì cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước xem xét, quyết định lựa chọn bổ sung vị trí xác định dòng chảy tối thiểu.
...
Như vậy, vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông suối là các vị trí sau đây:
- Vị trí trên sông suối trước khi nhập lưu với sông suối khác;
- Vị trí tại trạm thủy văn, trạm quan trắc tài nguyên nước;
Ngoài ra, vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên sông suối được xem xét, quyết định lựa chọn bổ sung trong trường hợp sau đây:
- Có yêu cầu cụ thể về dòng chảy để đảm bảo cho các hoạt động khai thác, sử dụng nước; hoạt động văn hóa, thể thao du lịch;
- Để phòng chống suy thoái, phục hồi nguồn nước hoặc bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thủy sinh có giá trị kinh tế trên một hoặc nhiều đoạn sông suối.
Việc xác định các đặc trưng dòng chảy trên sông suối được thực hiện bằng phương pháp gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 03/2024/TT-BTNMT thì căn cứ vào số liệu quan trắc khí tượng thủy văn hiện có và đặc điểm của lưu vực, việc xác định các đặc trưng dòng chảy trên sông suối được thực hiện bằng một trong các phương pháp sau:
(1) Trường hợp trên sông suối có trạm thuỷ văn, trạm quan trắc tài nguyên nước có chuỗi số liệu quan trắc thủy văn từ 20 năm trở lên và chênh lệch về diện tích lưu vực của trạm thủy văn với diện tích lưu vực tại vị trí cần xác định dòng chảy tối thiểu không quá 10%:
Sử dụng quan hệ tương quan (theo tỷ lệ lượng mưa năm và diện tích lưu vực) với số liệu dòng chảy của trạm quan trắc thủy văn để xác định;
(2) Trường hợp trên sông suối có trạm quan trắc thuỷ văn với chuỗi số liệu quan trắc thủy văn từ 20 năm trở lên nhưng chênh lệch về diện tích lưu vực của trạm thủy văn với diện tích lưu vực của vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên 10% hoặc chuỗi số liệu quan trắc thủy văn nhỏ hơn 20 năm hoặc không có trạm quan trắc thủy văn trên sông, suối, thì xem xét, lựa chọn một trong các phương pháp sau:
- Phương pháp lưu vực tương tự với trạm thủy văn có chuỗi số liệu từ 20 năm trở lên nếu chênh lệch về diện tích của hai lưu vực không vượt quá năm (05) lần và giữa hai lưu vực tương tự nhau về điều kiện cơ bản hình thành dòng chảy, tính đồng bộ về dao động dòng chảy.
- Phương pháp quan hệ tương quan giữa lượng mưa năm và dòng chảy năm.
- Phương pháp mô hình toán thủy văn, thủy lực.
- Phương pháp khác phù hợp với đặc điểm thủy văn, điều kiện số liệu khí tượng thủy văn của khu vực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi được giao thêm đất theo Luật Đất đai mới đúng không?
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?