Đối với chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam để được cấp thị thực cần đáp ứng những điều kiện gì? Và thời hạn cấp thị thực là bao lâu?
- Ký hiệu thị thực đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam là gì?
- Đối với chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam để được cấp thị thực cần đáp ứng những điều kiện gì?
- Thời hạn cấp thị thực cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là bao lâu?
- Xin thị thực cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với thời hạn 06 tháng thì có cần phải xin Giấy phép lao động không?
Ký hiệu thị thực đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam là gì?
Về ký hiệu thị thực đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, được nêu tại khoản 16 Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi điểm e khoản 3 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019:
Ký hiệu thị thực
...
16. LĐ1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
...
Theo đó, ký hiệu thị thực cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam là LĐ1.
Chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (Hình từ Internet)
Đối với chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam để được cấp thị thực cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ tại Điều 10 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 5 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 quy định chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện cấp thị thực như sau:
Điều kiện cấp thị thực
1. Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
2. Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này.
3. Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
4. Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:
a) Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
b) Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
c) Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
d) Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
5. Thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này.
Theo đó, từ quy định trên thì điều kiện để được cấp thị thực đối với chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu đó là có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh.
Thời hạn cấp thị thực cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là bao lâu?
Theo khoản 5 Điều 9 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 4 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 có quy định về thời hạn để cấp thị thực như sau:
Thời hạn thị thực
5. Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.
...
Theo đó, thời hạn cấp thị thực cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là không quá 02 năm đối với thị thực ký hiệu LĐ1.
Xin thị thực cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với thời hạn 06 tháng thì có cần phải xin Giấy phép lao động không?
Tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
...
8. Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.
Theo đó, trường hợp không phải cấp Giấy phép lao động bao gồm vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.
Như vậy, trường hợp anh xin thị thực cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với thời hạn 06 tháng thì anh cần phải có Giấy phép lao động để đúng với quy định tại khoản 8 Điều 7 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế suất hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thế nào? Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu có được miễn thuế?
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?