Đối tượng nào bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai? Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc về ai?
Đối tượng nào bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thì vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, có thể hiểu, vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, xâm hại đến trật tự quản lý đất đai mà không phải là tội phạm và theo quy định phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ Điều 2 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là những đối tượng có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, cụ thể đó là:
- Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo.
Các cá nhân, tổ chức nói trên khi có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì tùy trường hợp sẽ bị xử phạt theo một trong hai hình thức phạt chính đó là cảnh cáo và phạt tiền.
Ngoài ra, thì còn có hai hình thức xử phạt bổ sung là:
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng.
Và một số biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng tương ứng với từng hành vi vi phạm được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Đối tượng nào bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc về ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
Biên bản và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
2. Người có thẩm quyền lập biên bản gồm:
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại các Điều 38 và 39 của Nghị định này;
b) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.
Công chức kiểm lâm được giao nghiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác. Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng.
Từ quy định trên, có thể thấy, tùy vào từng trường hợp mà mỗi người sẽ có thẩm quyền lập biên bản đối với từng hành vi vi phạm khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc về các đối tượng sau đây:
(1) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bao gồm:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đất đai đang thi hành công vụ;
- Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra;
- Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai;
- Thanh tra chuyên ngành xây dựng;
- Thanh tra Bộ Quốc phòng có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất quốc phòng;
- Thanh tra Bộ Công an có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất an ninh;
(2) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.
Ngoài ra thì công chức kiểm lâm được giao nghiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng cũng được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác.
Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) thì biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai được lập theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này.
Do đó, căn cứ quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) và Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì khi lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, người có thẩm quyền lập biên bản cần lưu ý một vài nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Thứ hai, nội dung biên bản: Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
- Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;
- Họ và tên, chức vụ người lập biên bản;
- Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm;
- Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;
- Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền);
- Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có);
- Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản;
- Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc;
- Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.
Thứ ba, biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.
Trừ trường hợp biên bản được lập, gửi bằng phương thức điện tử (đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin).
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản;
Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Người sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính về đất đai mà không chấp hành thì có bị thu hồi đất không?
Căn cứ khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:
Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
...
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
...
Theo đó, trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành thì Nhà nước có quyền thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 7 hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan là những hành vi nào theo pháp luật hải quan?
- Thế nào là biện pháp chơi chữ? Nhận biết và phân tích được tác dụng của biện pháp chơi chữ là yêu cầu mà học sinh lớp 9 cần đạt?
- Giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có được tham gia vào các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ không?
- Cơ sở kinh doanh tuyển người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự cần phải không thuộc những trường hợp nào?
- Xe ô tô chở khách trên 8 chỗ phải lưu trữ dữ liệu về hành trình tối thiểu 1 năm từ 1/1/2025 đúng không?