Định giá tài sản chung không chia trong quá trình phá sản hợp tác xã do ai thực hiện? Việc xử lý tài sản này được thực hiện ra sao?
- Việc xử lý tài sản chung không chia của hợp tác xã khi phá sản được thực hiện như thế nào?
- Việc định giá tài sản chung không chia trong quá trình phá sản hợp tác xã sẽ do ai thực hiện?
- Quyết định mở thủ tục phá sản hợp tác xã của Tòa án sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đúng không?
Việc xử lý tài sản chung không chia của hợp tác xã khi phá sản được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 102 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về giải quyết phá sản đối với hợp tác xã như sau:
Giải quyết phá sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Việc giải quyết phá sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Việc xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi phá sản được thực hiện như việc xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể theo quy định tại Điều 101 của Luật này.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 88 Luật Hợp tác xã 2023 thì tài sản chung không chia của hợp tác xã bao gồm:
(1) Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, do mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Nhà nước hỗ trợ;
(2) Tài sản hình thành từ quỹ chung không chia;
(3) Tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ được quy định là tài sản chung không chia;
(4) Tài sản do cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp theo thỏa thuận là tài sản chung không chia;
(5) Tài sản là công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng do Nhà nước đầu tư, xây dựng, chuyển giao cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quản lý, sử dụng;
(6) Tài sản khác được Điều lệ quy định là tài sản chung không chia.
Như vậy, theo Điều 101 Luật hợp tác xã 2023 thì việc xử lý tài sản chung không chia của hợp tác xã khi phá sản được được xử lý theo các nguyên tắc sau đây:
- Tài sản chung không chia tại mục (1), (3) và (5) được giao cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo nguồn hình thành theo quy định của pháp luật;
- Tài sản chung không chia tại mục (4) được thực hiện theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trường hợp không có thỏa thuận thì tại sản này và tại sản thuộc (2), (6) được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Thanh toán chi phí giải thể bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi, định giá và thanh lý tài sản;
- Thanh toán nợ lương, trợ cấp thôi việc, đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
- Nợ thuế;
- Khoản nợ khác.
Lưu ý: Sau khi phân chia thì phần còn lại được chia cho thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn theo tỷ lệ phần vốn góp.
Định giá tài sản chung không chia trong quá trình phá sản hợp tác xã do ai thực hiện? Việc xử lý tài sản này được thực hiện ra sao? (Hình từ Internet)
Việc định giá tài sản chung không chia trong quá trình phá sản hợp tác xã sẽ do ai thực hiện?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Hợp tác xã 2023 về định giá tài sản góp vốn, tài sản chung không chia như sau:
Định giá tài sản góp vốn, tài sản chung không chia
...
3. Định giá tài sản chung không chia trong quá trình hoạt động, giải thể, phá sản do một tổ chức thẩm định giá định giá và Đại hội thành viên hoặc Hội đồng quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấp thuận.
Theo đó, việc định giá tài sản chung không chia trong quá trình phá sản hợp tác xã sẽ do một tổ chức thẩm định giá định giá và Đại hội thành viên hoặc Hội đồng quản trị của hợp tác xã chấp thuận.
Quyết định mở thủ tục phá sản hợp tác xã của Tòa án sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đúng không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 57 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản của Tòa án
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng pháp lý của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong Cơ sở dữ liệu về đăng ký hợp tác xã sang tình trạng đang làm thủ tục phá sản.
...
Như vậy, quyết định mở thủ tục phá sản hợp tác xã của Tòa án sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?