Điểm du lịch không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định thì có bị đình chỉ hoạt động hay không?
- Điểm du lịch không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định thì có bị đình chỉ hoạt động hay không?
- Tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch có nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?
- Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng không?
Điểm du lịch không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định thì có bị đình chỉ hoạt động hay không?
Căn cứ tại điểm c khoản 3 Điều 16 Nghị định 45/2019/NĐ-CP vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch, khu du lịch
Vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch, khu du lịch
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch theo quy định;
b) Không có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày;
c) Không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định;
d) Không cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch theo quy định;
đ) Không có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý theo quy định;
e) Không bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường theo quy định.
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng quyết định công nhận điểm du lịch hoặc khu du lịch từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng quyết định công nhận điểm du lịch hoặc khu du lịch từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm h khoản 4 Điều này;
d) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm i và điểm k khoản 4 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch hoặc khu du lịch đối với hành vi quy định tại điểm l khoản 4 Điều này.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, điểm du lịch không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định thì không bị đình chỉ hoạt động mà có thể bị xử phạt như sau:
- Nếu là tổ chức quản lý điểm du lịch thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Nếu là cá nhân quản lý điểm du lịch thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Điểm du lịch không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định thì có bị đình chỉ hoạt động hay không? (Hình từ Internet)
Tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch có nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 25 Luật Du lịch 2017 thì tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch có nghĩa vụ sau đây:
- Bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Du lịch 2017; cụ thể như sau:
+ Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định;
+ Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch;
+ Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan;
- Quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý;
- Bảo đảm an toàn cho khách du lịch, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại điểm du lịch;
- Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.
Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 5 Luật Du lịch 2017 về chính sách phát triển du lịch như sau:
Chính sách phát triển du lịch
...
4. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
a) Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao;
b) Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch;
c) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch;
d) Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác;
đ) Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch;
e) Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch; sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương;
g) Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.
Như vậy, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác.
Trong đó, theo quy định tại Điều 3 Luật Du lịch 2017 thì:
Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày đẹp bao sái bàn thờ năm 2025? Bao sái bàn thờ năm 2025 ngày nào? Nghỉ tết 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày nghỉ hưởng nguyên lương?
- Mẫu Quyết định khen thưởng nhân viên xuất sắc dịp Tết cuối năm? Tải về Mẫu Quyết định khen thưởng?
- Từ năm 2025, rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông, người lái xe máy sẽ bị phạt bao nhiêu?
- Mẫu Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc tách công ty mới nhất? Tải về file word mẫu biên bản họp?
- Không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ 2025 như thế nào?