Đề án tuyển sinh PTIT 2025? PTIT tuyển sinh theo mấy phương thức? Điều kiện đăng ký xét tuyển của các phương thức?
Đề án tuyển sinh PTIT 2025? PTIT tuyển sinh theo mấy phương thức?
Trường PTIT hay còn gọi là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Posts and Telecommunications Institute of Technology)
Năm 2025, PTIT dự kiến tăng 1.300 chỉ tiêu, mở ngành Trí tuệ nhân tạo và chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Theo đó, tổng chỉ tiêu dự kiến của Học viện PTIT ở cả hai cơ sở Hà Nội và TP HCM là khoảng 6.500. Trong đó, ngành AI tuyển khoảng 150 sinh viên, chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (thuộc ngành Quản trị kinh doanh) tuyển 100.
Theo thông báo Phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025 thì việc tuyển sinh PTIT 2025 được thực hiện theo 05 phương thức dưới đây:
(1) Phương thức 1: Xét tuyển tài năng
Xét tuyển tài năng gồm có:
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Đối với các thí sinh đoạt giải Quốc gia, Quốc tế theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện.
- Xét tuyển dựa vào hồ sơ năng lực (HSNL): Đối với các thí sinh có Thành tích đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia (giải Khuyến khích), cấp Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW (Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích), thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển hoặc là học sinh tại các trường THPT chuyên hoặc hệ chuyên thuộc các trường THPT trọng điểm quốc gia.
(2) Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả Chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (Chứng chỉ SAT/ACT)
(3) Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả trong các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD) của các đơn vị: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
(4) Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (Chứng chỉ IELTS, TOEFL) với kết quả học tập ở bậc THPT.
(5) Phương thức 5: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Lưu ý: Các thông tin chi tiết và hướng dẫn tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 thí sinh có thể xem trên các công thông tin điện tử và trang Fanpae tuyển sinh của Học viện tại các địa chỉ: https://ptit.edu.vn, https://daotao.ptit.edu.vn, https://tuyensinh.ptit.edu.vn, https://facebook.com/ptittuyensinh |
Đề án tuyển sinh PTIT 2025? PTIT tuyển sinh theo mấy phương thức? (Hình từ Internet)
Điều kiện đăng ký xét tuyển của từng phương thức tuyển sinh PTIT 2025? Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học là gì?
* Điều kiện đăng ký xét tuyển của từng phương thức tuyển sinh PTIT 2025?
Như đã nêu ở trên thì tuyển sinh PTIT 2025 được thực hiện theo 05 phương thức. Cụ thể điều kiện đăng ký xét tuyển của từng phương thức tuyển sinh PTIT 2025 như sau:
(1) Phương thức xét tuyển tài năng
* Xét tuyển thẳng:
Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025 và đoạt một trong các thành tích sau:
- Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia các môn Toán, Vật lí, Hóa học,Tin học (được tuyển thẳng vào tất cả các ngành/chương trình) hoặc môn Tiếng Anh (được tuyển thẳng vào các ngành/chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Thông tin) hoặc môn Ngữ văn (được tuyển thẳng vào ngành Báo chí và ngành Truyền thông đa phương tiện); thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
- Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia (Căn cứ vào đề tài dự thi của thí sinh đoạt giải, Học viện xem xét xét tuyển thẳng thí sinh vào ngành đào tạo phù hợp); thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
* Xét tuyển dựa vào hồ sơ năng lực (HSNL)
Thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương và có thêm một trong các điều kiện như sau:
- Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lí, Hóa học hoặc Tin học; Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thời gian tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
- Thí sinh đoạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (TW) các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Tin học (ĐKXT vào tất cả các ngành/chương trình) hoặc môn Tiếng Anh (ĐKXT vào các ngành/chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Thông tin) hoặc môn Ngữ văn (ĐKXT vào ngành Báo chí hoặc ngành Truyền thông đa phương tiện) và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên;
- Là học sinh chuyên của trường THPT chuyên trên phạm vi toàn quốc (các trường THPT chuyên thuộc Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW và các trường THPT chuyên thuộc Cơ sở giáo dục đại học) hoặc hệ chuyên thuộc các trường THPT trọng điểm quốc gia các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Tin học (ĐKXT vào tất cả các ngành/ chương trình) hoặc môn Tiếng Anh (ĐKXT vào các ngành/ chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Thông tin) hoặc môn Ngữ văn (ĐKXT vào ngành Báo chí hoặc ngành Truyền thông đa phương tiện); Và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên.
(2) Xét tuyển dựa vào kết quả chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (Chứng chỉ SAT/ACT)
Thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương và có Chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế SAT từ 1130/1600 trở lên hoặc ACT từ 25/36 trở lên, trong thời hạn 02 năm (tính đến ngày xét tuyển).
(3) Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy
Thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương và có thêm một trong các điều kiện sau đây:
- Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (APT) năm 2025 từ 600 điểm trở lên.
- Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (SPT) năm 2025 từ 15 điểm trở lên.
- Thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) năm 2025 từ 50 điểm trở lên.
- Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội (HSA) năm 2025 từ 75 điểm trở lên.
Lưu ý: Riêng đối với bài thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội thí sinh chọn:
• Phần 3 – Khoa học: Thí sinh bắt buộc chọn tổ hợp có 2 chủ đề Vật lí và Hóa học được ĐKXT vào tất cả các ngành/ chương trình.
• Phần 3 – Tiếng Anh: Thí sinh được ĐKXT vào các ngành/ chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Thông tin.
(4) Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (Chứng chỉ IELTS, TOEFL) với kết quả học tập ở bậc THPT
Thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương và có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 65 trở lên hoặc TOEFL ITP 513 trở lên và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên.
Lưu ý: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông không chấp nhận Chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh TOEFL iBT với Test Center theo hình thức Home Edition để sử dụng tham gia xét tuyển vào đại học chính quy
(5) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương và phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với các bài thi/môn thi theo tổ hợp xét tuyển tương ứng các ngành của Học viện.
* Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học là gì?
Căn cứ vào Điều 6 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học, cụ thể như sau:
- Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
- Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.
- Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.
Yêu cầu chung trong tuyển sinh đại học là gì?
Yêu cầu chung trong tuyển sinh đại học được quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT, cụ thể:
- Cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Mỗi cơ sở đào tạo thực hiện tất cả biện pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh; tuyển chọn được những thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp nhất với yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.
- Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ GDĐT nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo và của toàn hệ thống.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số dân tái định cư đối với Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam sơ bộ? 4 quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư?
- Khối Kỵ binh đi hướng nào trong lễ diễu binh diễu hành 2 9 2015 tại Hà Nội? Lễ diễu binh diễu hành 2 9 2025 ra sao?
- Bệnh Viêm gan vi rút B là bệnh gì? Chẩn đoán bệnh viêm gan vi rút B cấp như thế nào? Điều trị ra sao?
- Có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập theo Quyết định 759? Sáp nhập cần bảo đảm điều kiện nào?
- Hướng dẫn cách treo cờ Tổ Quốc nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh chi tiết?