Đá gà chọi là gì? Chơi đá gà chọi ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch có phải đánh bạc trái phép không?
Đá gà chọi là gì? Chơi đá gà chọi ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch có phải đánh bạc trái phép không?
Về bản chất, đá gà chọi là một trong những trò chơi dân gian có từ lâu đời tại Việt Nam, là một nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến, xuân về và thường được diễn ra tại các hội làng. Trong đó mỗi bên sử dụng một con gà đã được tuyển chọn kỹ lưỡng và đem ra thi đấu với nhau; thể thức thi đấu thường do các bên thỏa thuận với nhau trước trận đấu.
Tuy nhiên, hiện nay trò chơi đá gà chọi đã bị biến tướng, trở thành một hình thức cá cược nhằm mục đích kiếm tiền (Đánh bạc trái phép). Điều này không những làm mất đi những nét đẹp trong văn hóa dân gian của người Việt mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (Đã hết hiệu lực từ ngày 06/12/2010): "Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp."
Dựa trên tinh thần của văn bản này có thể hiểu đá gà chọi ăn tiền được xem là một hình thức đánh bạc trái phép với mục đích được thua bằng tiền mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Người tham gia chơi đá gà ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đá gà chọi là gì? Chơi đá gà chọi ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch có phải đánh bạc trái phép không? (Hình từ Internet)
Người tham gia chơi đá gà chọi ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh bạc trái phép được quy định theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Căn cứ trên quy định người tham gia chơi đá gà chọi ăn tiền (Hành vi đánh bạc trái phép) vào dịp Tết Âm lịch có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm
Ngoài ra, nếu người tham gia chơi đá gà chọi ăn tiền là người nước ngoài thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất người đó.
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Người tham gia chơi đá gà chọi ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch có bị phạt tù hay không?
Tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, trong trường hợp người tham gia chơi đá gà chọi nhằm mục đích kiếm tiền có giá trị lớn hơn 5.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
Như vậy, người tham gia chơi đá gà chọi ăn tiền vào dịp Tết Âm lịch có bị phạt tù hay không còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?