Công ty có thể quy định thời gian làm việc của NLĐ là không liên tục nhưng vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày không?
- Thời gian làm việc được quy định như thế nào?
- Công ty có thể quy định thời gian làm việc của NLĐ là không liên tục nhưng vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày không?
- Thời gian làm việc không liên tục mà vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày nhưng yêu cầu NLĐ đảm bảo có mặt khi cần trong thời gian nghỉ ngơi có bị phạt không?
Thời gian làm việc được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 có quy định thời giờ làm việc bình thường như sau:
"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan”.
Công ty có thể quy định thời gian làm việc cho NLĐ theo ngày hoặc theo tuần. Nếu làm việc theo ngày, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Thời gian làm việc
Công ty có thể quy định thời gian làm việc của NLĐ là không liên tục nhưng vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày không?
Căn cứ theo Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 có quy định nghỉ trong giờ làm việc như sau:
"1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động”.
Bên cạnh thời gian nghỉ ngơi theo quy định tại khoản 1 trên, NSDLĐ có thể quy định thêm “thời gian nghỉ ngơi ngắn khác” vào nội quy lao động của doanh nghiệp.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, việc quy định thời giờ làm việc không liên tục nhưng vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày (bắt đầu từ 06 giờ sáng đến 11 giờ trưa và bắt đầu lại từ 5 giờ chiều cho đến 8 giờ tối) là phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
Bởi quy định pháp luật chỉ đặt ra khoảng thời gian nghỉ ngơi tối thiếu mà công ty phải có nghĩa vụ bố trí cho NLĐ, chứ không đưa ra mức tối đa là bao nhiêu.
Tuy nhiên, đối với khoảng thời gian NLĐ được nghỉ ngơi nhưng vẫn phải đảm bảo có mặt khi cần thiết từ 11 giờ trưa đến 05 giờ chiều (ví dụ do đặc thù của công việc phải chờ nguyên liệu từ các khâu hoặc từ các đơn vị khác chuyển đến)
Thì trường hợp này vẫn có thể bị xem là thời gian làm việc của NLĐ vì trên thực tế, NLĐ vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng chờ nhận yêu cầu làm việc từ công ty vào bất cứ lúc nào trong suốt khoảng thời gian nghỉ ngơi đó.
Điều này có thể dẫn đến hệ quả là tổng thời giờ làm việc bình thường của NLĐ đã vượt quá 8 giờ hoặc 10 giờ mỗi ngày.
Tóm lại công ty có thể quy định thời gian làm việc của NLĐ là không liên tục nhưng vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày nhưng thời gian nghỉ ngơi thì không bắt người lao động phải trong trạng thái đảm bảo có mặt khi cần thiết. Thời gian nghỉ ngơi phải hoàn toàn thuộc về NLĐ.
Thời gian làm việc không liên tục mà vẫn đảm bảo không quá 08 giờ/ngày nhưng yêu cầu NLĐ đảm bảo có mặt khi cần trong thời gian nghỉ ngơi có bị phạt không?
Theo phân tích trên nếu NSDLĐ yêu cầu NLĐ luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc nếu có yêu cầu trong thời gian nghỉ ngơi thì có thể thời gian này sẽ được tính vào thời gian làm việc.
Nếu nhiều ngày như vậy dẫn đến thời gian làm thêm quá số giờ quy định thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về xử phạt vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
"4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Và mức phạt trên là áp dụng đối với cá nhân còn tổ chức thì sẽ bị phạt gấp 02 lần quy định căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cháu nội và cháu ngoại có cùng hàng thừa kế không? Cháu nội có được hưởng thừa kế nhiều hơn cháu ngoại không?
- Khi gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu thì bên mời thầu cần làm gì?
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?