Công chức cấp trung ương được hưởng phụ cấp đặc biệt trong trường hợp nào? Cách tính phụ cấp ra sao?
Công chức cấp trung ương được hưởng phụ cấp đặc biệt trong trường hợp nào?
Tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về các chế độ phụ cấp lương đối với công chức, trong đó quy định về chế độ phụ cấp đặc biệt đối với công chức cấp trung ương được thực hiện như sau:
- Phụ cấp đặc biệt được áp dụng cho các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
- Phụ cấp gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Công chức cấp trung ương được hưởng phụ cấp đặc biệt trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Trường hợp thay đổi địa giới hành chính thì áp dụng mức phụ cấp đặc biệt cho công chức cấp trung ương thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Mục III Thông tư 83/2005/TT-BNV thì trường hợp hợp thay đổi địa giới hành chính thì áp dụng mức phụ cấp đặc biệt cho công chức cấp trung ương theo nguyên tắc sau:
- Trường hợp đổi tên địa danh đối với địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt thì được giữ nguyên mức phụ cấp đặc biệt hiện hưởng. Theo phạm vi quản lý, Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo (kèm theo bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đổi tên địa danh) về Bộ Nội vụ để theo dõi.
- Trường hợp chia tách hoặc sáp nhập địa giới hành chính đối với các địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt, thì theo phạm vi quản lý, Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị mức phụ cấp đặc biệt đối với các địa bàn mới được chia tách hoặc sáp nhập (kèm theo bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia tách hoặc sáp nhập địa giới hành chính và tính toán kinh phí tăng thêm do việc đề nghị áp dụng phụ cấp đặc biệt này) gửi về Bộ Nội vụ.
Căn cứ đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để xem xét trả lời. Trong thời gian chưa có văn bản trả lời của Bộ Nội vụ thì giữ nguyên mức phụ cấp đặc biệt đối với các đối tượng đang được hưởng.
Phụ cấp đặc biệt đối với công chức cấp trung ương được tính thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Mục II Thông tư 09/2005/TT-BNV có quy định về cách tính phụ cấp đặc biệt đối với công chức cấp trung ương như sau:
- Phụ cấp đặc biệt được tính bằng tỷ lệ % so với mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang.
- Phụ cấp gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Mục I Thông tư 09/2005/TT-BNV làm việc ở địa bàn được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 09/2005/TT-BNV.
Ví dụ1. Ông Vũ Văn A, Trung uý công an nhân dân Việt Nam, có hệ số lương hiện hưởng là 4,60, mức lương thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 là 1.334.000 đồng/tháng; công tác ở địa bàn được áp dụng mức phụ cấp đặc biệt 50%, thì hàng tháng được hưởng phụ cấp đặc biệt là:
1.334.000 đồng/tháng x 50% = 667.000 đồng/tháng
Ví dụ 2. Bà Nguyễn Thị B, chuyên viên đang xếp lương bậc 3, hệ số lương hiện hưởng là 3,00, mức lương thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 là 870.000đ/tháng; làm việc ở địa bàn được áp dụng mức phụ cấp đặc biệt 30%, thì hàng tháng được hưởng phụ cấp đặc biệt là:
870.000đồng/tháng x 30% = 261.000 đồng/tháng
Ví dụ 3. Ông Trần Đăng C, Trung sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, có hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng là 0,60, mức phụ cấp quân hàm thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 là 174.000 đồng /tháng; đóng quân ở địa bàn được áp dụng mức phụ cấp đặc biệt 100%, thì hàng tháng được hưởng phụ cấp đặc biệt là:
174.000 đồng/tháng x 100% = 174.000 đồng/tháng
* Còn cách tính trả được quy định như sau:
- Phụ cấp đặc biệt được tính trả theo nơi làm việc cùng kỳ lương hoặc phụ cấp quân hàm hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
- Phụ cấp đặc biệt chỉ trả cho những tháng thực sự công tác trên địa bàn, khi rời khỏi địa bàn từ một tháng trở lên hoặc đến công tác không tròn tháng thì không được hưởng.
- Nguồn kinh phí chi trả Phụ cấp đặc biệt:
Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, Phụ cấp đặc biệt do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị;
Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp đặc biệt do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?
- Ngày 20 tháng 1 là ngày gì? Ngày 20 tháng 1 có sự kiện gì ở Việt Nam? Ngày 20 tháng 1 năm 2025 là ngày mấy âm lịch?
- Báo cáo kế toán thuế để làm gì? Số liệu báo cáo kế toán thuế phải phản ánh điều gì? Lập báo cáo kế toán thuế?