Cục Bảo trợ xã hội hiện nay thuộc cơ quan nào của Chính phủ? 14 nhiệm vụ và quyền hạn hiện nay sau khi sáp nhập Bộ?
Cục Bảo trợ xã hội hiện nay thuộc cơ quan nào của Chính phủ?
Căn cứ theo Điều 1 Quyết định 732/QĐ-BYT năm 2025 có quy định như sau:
Vị trí và chức năng
1. Cục Bảo trợ xã hội là cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật, chính sách về các lĩnh vực: trợ giúp xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội; công tác xã hội; quản lý cơ sở trợ giúp xã hội; công tác người cao tuổi (không bao gồm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng); công tác người khuyết tật và trợ giúp các đối tượng trợ giúp xã hội khác; phòng, chống tệ nạn mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (sau đây gọi chung là các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục); quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
2. Cục Bảo trợ xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại Thành phố Hà Nội.
3. Cục Bảo trợ xã hội có tên giao dịch quốc tế là Administration of Social Protection.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì Cục bảo trợ xã hội hiện nay là cục chuyên ngành trực thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật, chính sách về các lĩnh vực bảo trợ xã hội và quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
Đồng thời, Cục Bảo trợ xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại Thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, Cục Bảo trợ xã hội có tên giao dịch quốc tế là Administration of Social Protection.
Cục Bảo trợ xã hội hiện nay thuộc cơ quan nào của Chính phủ? (Hình từ internet)
14 nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Bảo trợ xã hội hiện nay sau khi sáp nhập Bộ?
Tại Điều 2 Quyết định 732/QĐ-BYT năm 2025 có quy định về 14 nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Bảo trợ xã hội hiện nay sau khi sáp nhập Bộ như sau:
(1) Chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
(2) Chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án, đề án về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(3) Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
(4) Hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách, biện pháp trợ giúp xã hội khẩn cấp trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác; tổng hợp, thống kê tình hình thiệt hại dân sinh và công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp.
(5) Về công tác người cao tuổi
- Chủ trì quản lý công tác người cao tuổi; hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Người cao tuổi và văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về người cao tuổi;
- Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, hỗ trợ chi phí mai táng, nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi trong cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi;
- Triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau;
- Hướng dẫn thực hiện “Ngày người cao tuổi Việt Nam”, “Ngày quốc tế người cao tuổi” và “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” hằng năm;
- Đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam.
(6) Về công tác người khuyết tật
- Chủ trì quản lý công tác người khuyết tật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về người khuyết tật;
- Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trợ giúp xã hội, hỗ trợ chi phí mai táng, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc người khuyết tật;
- Hướng dẫn xác nhận khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội, sinh kế, hỗ trợ hòa nhập xã hội, hỗ trợ sống độc lập đối với người khuyết tật; bảo vệ quyền người khuyết tật; hướng dẫn triển khai các mô hình chăm sóc người khuyết tật;
- Hướng dẫn triển khai “Ngày người khuyết tật Việt Nam” và “Ngày quốc tế người khuyết tật” hằng năm;
- Chủ trì tổ chức thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và những cam kết quốc tế liên quan đến người khuyết tật;
- Đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.
(7) Về công tác xã hội
- Chủ trì quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội; hướng dẫn triển khai Ngày công tác xã hội Việt Nam hằng năm;
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội; quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội; hướng dẫn thực hành công tác xã hội, cập nhật kiến thức công tác xã hội và các văn bản hướng dẫn về hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội (không bao gồm công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh);
- Chủ trì, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công tác xã hội, dự án, mô hình và hoạt động công tác xã hội hỗ trợ người dân có nhu cầu.
(8) Chủ trì quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và đăng ký, cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
(9) Về phòng, chống tệ nạn mại dâm
- Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia, hỗ trợ thực hiện công tác hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng;
- Chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm; hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội Kiểm tra liên ngành 178/CP);
- Chủ trì hướng dẫn thực hiện các quy định về dịch vụ, quy trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm; xây dựng các mô hình can thiệp giảm hại, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm;
- Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ thường trực về phòng, chống tệ nạn mại dâm của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm 05 năm và hàng năm theo quy định pháp luật.
(10) Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Chủ trì hướng dẫn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về dịch vụ, quy trình tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán;
- Chủ trì hướng dẫn triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) hằng năm;
- Hướng dẫn việc đăng ký, quản lý việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hướng dẫn, quản lý việc cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở trợ giúp xã hội khác tham gia hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng;
- Hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, tin báo, tố giác về mua bán người tới tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người;
- Tham gia cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống tội phạm; công tác phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
(11) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương theo dõi, thống kê, báo cáo các chỉ tiêu, chỉ số về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
(12) Tổ chức thực hiện công tác pháp chế; cải cách hành chính; hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế; nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
(13) Quản lý công chức, viên chức, người lao động; cơ sở vật chất, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Y tế.
(14) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Y tế giao.
Cơ chế hoạt động của Cục Bảo trợ xã hội được quy định ra sao?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 732/QĐ-BYT năm 2025 có quy định về cơ chế hoạt động của Cục Bảo trợ xã hội hiện nay như sau:
- Cục Bảo trợ xã hội hoạt động theo chế độ thủ trưởng
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Cục, các phòng thuộc Cục do Cục trưởng quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục đã được Bộ trưởng Bộ Y tế giao. Mối quan hệ giữa Văn phòng, các phòng, tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định;
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo Văn phòng và lãnh đạo các phòng, tổ chức thuộc Cục được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ Y tế;
- Các chức danh lãnh đạo Cục, lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các phòng thuộc Cục được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật.


Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việc sáp nhập đơn vị hành chính có liên quan gì đến phát triển kinh tế - xã hội không? Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Chiến dịch Hồ Chí Minh được diễn ra trong bao nhiêu ngày? Chủ đề tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1945-2025) là gì?
- Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có những hoạt động biên soạn, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền nào?
- Nghị định 91 2025 NĐ CP Quy định thời điểm xác định giá đất của quỹ đất thanh toán theo hợp đồng BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 2025 như thế nào?
- Bản tin chiến thắng lịch sử đầu tiên ngày 30 tháng 4 được vang lên trên đài phát thanh nào? Giọng đọc là ai?