Có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không? Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?
Có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không?
Căn cứ quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn cụ thể như sau:
"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Theo đó có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ sau:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Thủ tục giành lại quyền nuôi con sau ly hôn theo quy định hiện nay?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
"2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con."
Như vậy, bạn có thể thỏa thuận với chồng cũ về việc muốn giành lại quyền nuôi con. Nếu không thỏa thuận thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo quy định khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, khi con bạn đủ 07 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Nếu bạn thỏa thuận được với người trực tiếp nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú công nhận sự thỏa thuận đó để giành lại việc trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì phải khởi kiện tại Tòa án và phải có căn cứ cho việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Cơ quan có thẩm quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết."
Theo đó Tòa án nhân dân quận, huyện nơi người đang trực tiếp nuôi dưỡng con đang cư trú hoặc đang đăng ký tạm trú có thẩm quyền giải quyết việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Do đó, nếu muốn giành lại quyền nuôi con thì phải làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con gửi lên Tòa án nhân dân quận, huyện nơi người trực tiếp nuôi con đang cư trú hoặc tạm trú để được yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp nếu không xác định được hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người đang trực tiếp nuôi con thì rất khó để tòa án xác định và thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở kinh doanh tuyển người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự cần phải không thuộc những trường hợp nào?
- Xe ô tô chở khách trên 8 chỗ phải lưu trữ dữ liệu về hành trình tối thiểu 1 năm từ 1/1/2025 đúng không?
- Ai có quyền yêu cầu người có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin theo quy định?
- Người có trách nhiệm chăm sóc lại ép buộc trẻ em xem phim 18+ trình diễn khiêu dâm bị phạt mấy năm tù?
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?