Có thể thực hiện nổ mìn công nghiệp theo các phương pháp nào? Quy định về an toàn khi nổ mìn công nghiệp ra sao?

Cho tôi hỏi về các phương pháp có thể áp dụng trong nổ mìn công nghiệp, khi thực hiện nổ mìn công nghiệp thì tuân thủ quy định về an toàn như thế nào? Được quy định cụ thể tại đâu? Mong được trả lời, tôi cảm ơn.

Có thể thực hiện nổ mìn công nghiệp theo các phương pháp nào?

Căn cứ Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT về An toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ, thì có 4 phương pháp nổ mìn công nghiệp gồm:

- Nổ mìn bằng dây cháy chậm

- Nổ mìn bằng dây nổ

- Nổ mìn bằng kíp nổ điện

- Nổ mìn bằng kíp nổ phi điện

Có thể hực hiện nổ mìn công nghiệp theo các phương pháp nào? Quy định về an toàn khi nổ mìn công nghiệp ra sao?

Có thể hực hiện nổ mìn công nghiệp theo các phương pháp nào? Quy định về an toàn khi nổ mìn công nghiệp ra sao? (Hình từ Internet)

Quy định về an toàn khi nổ mìn công nghiệp bằng dây cháy chậm như thế nào?

Đối với phương pháp này quy định về an toàn thực hiện theo khoản 1 Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT như sau:

"Điều 34. Quy định an toàn khi áp dụng các phương pháp nổ mìn khác nhau
1. Nổ mìn bằng dây cháy chậm
a) Cho phép sử dụng mồi lửa âm ỉ để đốt ngòi mìn. Khi chỉ khởi nổ 01 phát mìn, cho phép sử dụng diêm để đốt ngòi mìn.
b) Chiều dài dây cháy chậm của các ngòi mìn phải đảm bảo để người thợ mìn đủ thời gian để đốt tất cả các ngòi mìn và đi đến vị trí an toàn.
Khi nổ mìn ở gương hầm lò có sử dụng ống đốt để đốt ngòi mìn, chiều dài dây của ngòi mìn phải đảm bảo khởi nổ được lần lượt các phát mìn theo trình tự đã định. Trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 39 của Quy chuẩn này, chiều dài của ngòi mìn không được nhỏ hơn 1,0 m và đoạn dây cháy chậm nằm ngoài miệng lỗ mìn không được ngắn hơn 25 cm.
c) Trong một lần khởi nổ có nhiều hơn 01 thợ mìn cùng đốt các ngòi mìn, phải chỉ định một người làm nhóm trưởng. Nhóm trưởng được phép ra lệnh bằng mồm hoặc tín hiệu đã được quy ước và phải phổ biến để tất cả thợ mìn biết tín hiệu này.
d) Trên mặt đất, khi phải đốt lớn hơn 05 ngòi mìn, phải sử dụng ngòi mìn kiểm tra để kiểm tra thời gian đã tiêu hao vào việc đốt các ngòi mìn.
Dây cháy chậm của ngòi mìn kiểm tra không được ngắn hơn 40 cm và phải ngắn hơn dây cháy chậm của các ngòi mìn đốt đầu tiên là 60 cm. Ngòi mìn kiểm tra được đốt đầu tiên.
đ) Trên mặt đất, ngòi mìn kiểm tra được đặt cách phát mìn đốt đầu tiên không gần hơn 5,0 m và không được đặt trên đường rút lui của thợ mìn ra vị trí an toàn.
e) Tất cả thợ mìn phải lập tức rút ra khỏi bãi mìn đến vị trí an toàn sau khi đốt xong các ngòi mìn hoặc sau khi ngòi mìn kiểm tra đã nổ hoặc đoạn dây cháy chậm kiểm tra đã cháy hết.
g) Không được sử dụng ngòi mìn dài hơn 10 m. Khi sử dụng ngòi mìn dài hơn 4,0 m, phải sử dụng 02 ngòi mìn và được đốt đồng thời cùng một lúc.
h) Thợ mìn phải đếm số phát mìn đã nổ và chỉ được vào khu vực bãi mìn vừa nổ khi các phát mìn đã được nổ hết. Trường hợp không thể đếm (khi nổ đồng loạt nhiều phát mìn một lúc) hoặc khi có phát mìn không nổ, thợ mìn chỉ được trở lại khu vực bãi mìn vừa nổ sau 15 min kể từ lúc phát mìn cuối cùng nổ.
Trường hợp không có mìn câm, thợ mìn chỉ được trở lại khu vực bãi mìn vừa nổ sau 15 min kể từ lúc phát mìn cuối cùng nổ và sau khi đất đá ngừng xô đẩy trên gương tầng đối với nổ mìn trên mặt đất hoặc sau khi đã thông gió hết khói mìn đối với nổ mìn hầm lò.
k) Không được nổ mìn bằng dây cháy chậm ở tất cả các mỏ than, mỏ quặng hầm lò có nguy hiểm về khí hoặc bụi nổ, ở trong các lò đứng, lò nghiêng có độ dốc trên 30º hoặc trong các trường hợp mà thợ mìn rút ra nơi an toàn gặp khó khăn, trở ngại."

Khi dùng dây cháy chậm để nổ mìn công nghiệp thì phải đảm bảo các quy định về an toàn như trên.

Quy định an toàn về nổ mìn công nghiệp bằng dây nổ như thế nào?

Về nổ mìn áp dụng phương pháp dây nổ thì phải đáp ứng được các quy định an toàn tại khoản 2 Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT như sau:

Điều 34. Quy định an toàn khi áp dụng các phương pháp nổ mìn khác nhau
...
2. Nổ mìn bằng dây nổ
a) Dây nổ phải được áp chặt hoặc cho ngập vào thỏi thuốc nổ nhạy với dây nổ, trường hợp sử dụng quả mồi nổ phải luồn dây nổ qua lỗ xuyên tâm có sẵn của quả mồi nổ.
Phải thực hiện đúng quy định hướng dẫn sử dụng của nhà chế tạo khi đấu hai đoạn dây nổ với nhau hoặc đấu dây nhánh với dây chính của mạng nổ mìn bằng dây nổ.
b) Khi kích nổ dây nổ bằng kíp, lắp rơ le vi sai vào đường dây nổ chính hoặc để khởi nổ lại dây nổ thì phải đảm bảo kíp nổ áp sát với dây nổ, kíp nổ phải đặt ở đoạn cách đầu dây từ 10 cm đến 15 cm.
c) Khi đấu dây nhánh vào dây chính phải đấu sao cho hướng truyền nổ của dây nhánh trùng với hướng truyền nổ của dây chính.
d) Khi lắp mạng dây nổ, không được để dây nổ bị xoắn, gẫy. Khi có các dây giao nhau, phải đặt vật cách ly đảm bảo 02 dây nổ cách nhau lớn hơn 10 cm.
đ) Khi đấu đúp mạng, phải đồng thời khởi nổ cả 02 mạng bằng các kíp nổ cùng loại buộc chặt vào nhau.
e) Phải che phủ mạng dây nổ đấu ở ngoài trời có nhiệt độ ≥ 30ºC để tránh tác dụng của ánh sáng mặt trời.
..."

Quy định an toàn về nổ mìn công nghiệp bằng kíp nổ điện như thế nào?

Đối với nổ mìn bằng phương pháp sử dụng kíp nổ điện thì phải đáp ứng các quy định an toàn theo khoản 3 Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT như sau:

Điều 34. Quy định an toàn khi áp dụng các phương pháp nổ mìn khác nhau
...
3. Nổ mìn bằng kíp nổ điện
a) Không được bảo quản, vận chuyển, sử dụng kíp nổ điện cách các nguồn thu, phát sóng điện từ tần số radio nhỏ hơn khoảng cách quy định tại Phụ lục 6 của Quy chuẩn này, trừ trường hợp kíp nổ điện được bao gói trong bao bì của nhà sản xuất hoặc được để trong các hòm có vỏ bọc kim loại có chèn lót đệm mềm không phát sinh tia lửa khi ma sát. Không được sử dụng thiết bị thu, phát sóng điện từ tần số radio cầm tay (điện thoại di động, thiết bị vi sóng...) trong phạm vi bán kính 50 m của khu vực nổ mìn bằng kíp nổ điện.
b) Đo kiểm tra trị số điện trở 10% số lượng kíp nổ điện trước khi sử dụng để kiểm tra sự phù hợp với quy chuẩn.
Việc đo điện trở của kíp nổ điện phải tiến hành trên bàn có gờ bao quanh cao hơn 2,0 cm, mặt bàn phủ lớp vật liệu mềm chiều dày không nhỏ hơn 3,0 mm, đặt trong buồng riêng của kho hầm lò, nhà chuẩn bị VLNCN, trên bãi đất trống có mái che. Khi đo điện trở kíp nổ điện, số lượng kíp nổ tối đa trên bàn của một thợ mìn không được lớn hơn 10 kíp nổ. Các kíp nổ được đo phải đặt trong ống kim loại hoặc phía sau tấm gỗ dày không nhỏ hơn 10 cm.
Sau khi đo điện trở, 02 đầu dây dẫn của kíp nổ điện phải được đấu chập lại.
c) Dòng điện phát vào mạch đo của thiết bị đo điện trở của kíp nổ điện, mạng điện nổ mìn không được lớn hơn 50 mA. Thiết bị đo điện trở của kíp nổ điện, mạng điện nổ mìn phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.
d) Chỉ được sử dụng kíp nổ điện có vỏ dây dẫn không chịu nước để nổ mìn trên mặt đất trong điều kiện khô ráo.
Đường dây dẫn chính của mạng nổ mìn (dây trục) chỉ được sử dụng loại có vỏ bọc cách điện.
đ) Mạng điện nổ mìn luôn phải có hai dây dẫn, không được sử dụng nước, đất, đường ống dẫn kim loại. đường ray, dây cáp để làm một trong hai dây dẫn trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Quy chuẩn này.
e) Toàn bộ kíp nổ điện sử dụng trong một mạng nổ mìn điện phải cùng loại và cùng một nhà sản xuất.
g) Phải cách điện tại các điểm đấu nối dây mạng, kiểm tra xác định trị số cường độ dòng điện rò (dòng điện lạc) khi nổ mìn tại vị trí mạng nổ mìn điện đi gần nguồn điện có khả năng gây ra dòng điện rò (đường điện ngầm, thiết bị điện, đường ray kim loại của tàu điện...). Nếu trị số dòng điện rò lớn hơn 50 mA trên 1,0 Ω điện trở đo tại khu vực đặt kíp điện phải kiểm tra và loại trừ nguồn gây ra dòng điện rò trước khi tiến hành nạp, nổ mìn.
h) Việc đấu nối mạng nổ mìn điện phải do những thợ mìn có kinh nghiệm không nhỏ hơn 06 tháng làm việc với phương pháp nổ mìn điện được phép đấu, lắp mạng điện nổ mìn.
k) Chỉ thực hiện đấu nối sau khi nạp mìn và lấp bua xong, người không liên quan đến việc đấu nối đã ra khỏi khu vực bãi nổ mìn. Trình tự đấu nối từ dây dẫn của kíp của phát mìn kết nối dây nhánh và các nhánh kết nối với nhau thành mạng của bãi nổ sau đó đấu chập mạch. Không được đấu mạng điện nổ mìn theo hướng đi từ nguồn điện đến các phát mìn. Chỉ kết nối mạng của bãi nổ với dây chính khi có lệnh của chỉ huy nổ mìn.
l) Đầu cuối đường dây dẫn chính của mạng điện nổ mìn phải được đấu chập mạch cho đến khi đấu chúng vào cọc đấu dây của máy nổ mìn hoặc thiết bị đóng ngắt nguồn điện.
m) Phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để đo điện trở và tính thông suốt của mạng nổ mìn điện sau khi đấu nối. Trị số điện trở đo nếu sai lệch so với trị số tính toán trên 10%, phải tìm nguyên nhân gây ra sai lệch. Thời gian đo kiểm tra điện trở mạng điện nổ mìn không lớn hơn 04 s.
n) Các máy nổ mìn, thiết bị để đóng nguồn điện nổ mìn phải đặt ở vị trí an toàn. Không được đấu đường dây dẫn chính của mạng điện nổ mìn trực tiếp vào nguồn điện không qua thiết bị đóng, ngắt nguồn điện cho nổ mìn, đầu dây dẫn chính khi chưa đấu vào thiết bị phải cách thiết bị không nhỏ hơn 5,0 m.
o) Kể từ lúc bắt đầu đấu nối mạng điện nổ mìn, tất cả các thiết bị điện, dây cáp điện, mạng điện tiếp xúc và các đường điện trên không, nằm ở trong giới hạn của vùng nguy hiểm đều không được mang điện. Trong thời gian đấu nối mạng điện nổ mìn, cho phép sử dụng đèn điện có điện áp nhỏ hơn 36 V để chiếu sáng vị trí làm việc.
p) Cho phép sử dụng các máy nổ mìn, nguồn điện có điện áp không lớn hơn 220 V để làm nguồn điện khởi nổ. Thiết bị đóng ngắt nguồn điện phải là thiết bị chuyên dùng để nổ mìn. Thiết bị phải đặt trong hòm, tủ có khóa.
q) Chìa khóa của máy nổ mìn, khóa hộp thiết bị đóng ngắt nguồn điện làm nguồn khởi nổ phải do người chỉ huy nổ mìn giữ trong suốt thời gian từ lúc chuẩn bị nạp cho đến lúc khởi nổ.
r) Khi nổ mìn điện, thợ mìn chỉ được ra khỏi vị trí an toàn khi đã tháo 02 đầu dây dẫn chính ra khỏi nguồn điện và đấu chập mạch lại với nhau, nhưng không được sớm hơn 05 min kể từ khi nổ mìn, đất đá hết xô đổ (đối với trường hợp nổ mìn lộ thiên), hoặc sau khi đã thông gió theo quy định (đối với trường hợp nổ mìn hầm lò).
s) Trường hợp phát mìn không nổ sau khi khởi nổ, người khởi nổ phải tháo 02 đầu dây dẫn chính ra khỏi cầu dao, máy nổ mìn, đấu chập 02 đầu dây; chỉ huy nổ mìn khóa cầu dao, cất chìa khóa cầu dao hoặc máy nổ mìn. Sau 10 min khi hoàn thành các công việc kể trên mới được vào xem xét nguyên nhân mìn bị câm.
t) Cường độ dòng điện gây nổ phóng vào mỗi kíp phải được tính toán đảm bảo không được nhỏ hơn 1,0 A khi số lượng kíp nổ đồng thời đến 100 kíp, không nhỏ hơn 1,3 A khi số lượng kíp nổ đồng thời từ 100 kíp đến 300 kíp và không nhỏ hơn 2,5 A khi khởi nổ bằng dòng điện xoay chiều.
u) Tất cả các máy nổ mìn trước khi sử dụng phải được kiểm tra ở điện áp xung lâu dài (chỉ đối với mỏ nguy hiểm về khí hoặc bụi nổ), dòng điện xung tăng cường và phải được kiểm định theo quy định hiện hành.
v) Sau 05 min kể từ lúc bãi mìn nổ, thợ mìn được giao nhiệm vụ kiểm tra bãi nổ mới được vào khu vực bãi mìn để kiểm tra an toàn."

Quy định an toàn đối với nổ mìn công nghiệp bằng phương pháp kíp nổ phi điện như thế nào?

Về quy định an toàn đối với phương pháp này thực hiện theo khoản 4 Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT như sau:

"Điều 34. Quy định an toàn khi áp dụng các phương pháp nổ mìn khác nhau
...
4. Nổ mìn bằng kíp nổ phi điện
a) Không được sử dụng các kíp có dây dẫn tín hiệu nổ của kíp bị thay đổi màu sắc hoặc phát hiện thấy màu sắc khác nhau về trên cùng một dây tín hiệu; dây dẫn tín hiệu bị dập, rạn, nứt, tiết diện dây dẫn không đều so với quy định. Không được kéo căng, vặn xoắn, làm mài mòn rạn vỡ, cắt ngắn hoặc làm dập dây dẫn tín hiệu nổ của kíp nổ phi điện.
b) Việc đấu ghép mạng nổ và khởi nổ kíp phi điện do thợ mìn có kinh nghiệm làm việc 06 tháng trở lên và phải tuân theo hướng dẫn của nhà chế tạo, chỉ được rải dây dẫn tín hiệu nổ của kíp phi điện trên mặt sau khi đã nạp mìn và lấp bua xong. Cho phép sử dụng kíp nổ đốt, kíp nổ điện, dây nổ áp chặt với dây dẫn tín hiệu nổ của kíp nổ phi điện bằng băng dính hoặc dây buộc mềm để khởi nổ kíp nổ phi điện.
c) Chỉ huy nổ mìn ra lệnh chuẩn bị và khởi nổ bãi mìn sau khi đã thi công xong bãi nổ mìn, người và thiết bị đã di chuyển tới nơi an toàn và đã nhận tín hiệu của tất cả các trạm gác báo về canh gác đảm bảo an toàn.
d) Chỉ được trở lại khu vực bãi mìn vừa nổ để kiểm tra sau 05 min kể từ lúc phát mìn cuối cùng nổ.

Vậy khi thực hiện nổ mìn bằng phương pháp kíp nổ phi điện phải tuân thủ các quy định an toàn như trên.

Nổ mìn
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Thiết bị giám sát nổ mìn công nghiệp phải đạt được các yêu cầu gì? Nội dung báo cáo giám sát được quy định thế nào?
Pháp luật
Có các trường hợp nào được thực hiện nổ mìn công nghiệp thăm dò địa chấn? Quy định cụ thể các trường hợp ra sao?
Pháp luật
Có thể thực hiện nổ mìn công nghiệp theo các phương pháp nào? Quy định về an toàn khi nổ mìn công nghiệp ra sao?
Pháp luật
Tín hiệu và biển báo khi thực hiện nổ mìn là vật liệu cháy nổ công nghiệp được quy định cụ thể thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nổ mìn
4,600 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Nổ mìn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào