Có được bắt buộc người khác xét nghiệm HIV hay không? Những người nào sẽ được thông báo về kết quả xét nghiệm HIV dương tính?
Có được bắt buộc người khác xét nghiệm HIV hay không?
Theo khoản 7 Điều 8 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 nghiêm cấm hành vi bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.
Căn cứ theo Điều 28 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 về các trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm HIV như sau:
Xét nghiệm HIV bắt buộc
1. Xét nghiệm HIV bắt buộc đối với trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
3. Chính phủ quy định danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.
Như vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi bắt buộc xét nghiệm HIV trừ các trường hợp như sau:
- Trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân.
- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như sau:
+ Người hiến mô, bộ phận cơ thể người.
+ Người nhận mô, bộ phận cơ thể người.
+ Người cho tinh trùng, noãn.
+ Người nhận tinh trùng, noãn, phôi.
+ Người bệnh đã được khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm HIV.
- Ngành nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng:
+ Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006;
+ Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
+ Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.
Bắt buộc người khác xét nghiệm HIV (Hình từ Internet)
Những người nào sẽ được thông báo về kết quả xét nghiệm HIV dương tính?
Theo Điều 30 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020) quy định về vấn đề thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính như sau:
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho những người sau đây:
- Người được xét nghiệm;
- Vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Người được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm;
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; người được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS;
- Người đứng đầu, điều dưỡng viên trưởng của khoa, phòng, đơn vị khác của cơ sở y tế có người nhiễm HIV được điều trị; nhân viên y tế được giao trách nhiệm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV tại cơ sở y tế;
- Người đứng đầu, người phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác;
- Người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân.
Người nhiễm HIV có các quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?
Theo Điều 4 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020), người nhiễm HIV có các quyền và nghĩa vụ như sau:
- Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:
+ Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;
+ Được điều trị và chăm sóc sức khoẻ;
+ Học văn hoá, học nghề, làm việc;
+ Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;
+ Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;
+ Các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;
+ Thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình;
+ Thực hiện các quy định về điều trị khi tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số tiền chiết khấu thương mại của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng trong trường hợp nào?
- Thời hạn lập giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công?
- Thưởng Tết là gì? Tiền thưởng Tết Âm lịch giữa các nhân viên trong công ty có khác nhau hay không?
- Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là ai? Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự có nội dung như thế nào?
- Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức? Đảng viên dự bị có được biểu quyết không?