Có bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi khai thác thủy sản? Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá cần đáp ứng yêu cầu gì?
Có bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi khai thác thủy sản?
Có bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi khai thác thủy sản? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản 2017 quy định tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên được cấp Giấy phép khai thác thủy sản thì phải có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017 quy định đối với tàu cá không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định được xem là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Như vậy, đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi khai thác thủy sản.
Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá cần đáp ứng yêu cầu gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá như sau:
Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá
1. Yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá:
a) Phải được kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá lắp đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển;
b) Tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 02 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển.
Tự động truyền bằng một trong các phương thức qua hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF tối thiểu 08 vị trí/ngày với tần suất 03 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển;
c) Sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500 mét, độ tin cậy 99%;
d) Mỗi thiết bị phải có một mã nhận dạng độc lập;
đ) Phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
Theo đó, tàu cá khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển phải lắp thiết bị giám sát hành trình phù hợp theo như quy định trên.
Mức xử phạt hành chính vi phạm không lắp đặt giám sát hành trình tàu cá?
Căn cứ theo Điều 35 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với hành vi vi phạm không lắp đặt giám sát hành trình tàu cá, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
1. Phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không trang bị thiết bị thông tin liên lạc theo quy định;
b) Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng;
d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho cơ quan quản lý để thực hiện kiểm tra theo quy định;
đ) Không thực hiện kẹp chì khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định hoặc không thông báo mẫu kẹp chì cho cơ quan quản lý theo quy định;
e) Không thực hiện bảo mật dữ liệu giám sát hành trình tàu cá đúng quy định.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và các điểm b, c và d khoản 3 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Như vậy, hành vi không lắp đặt giám sát hành trình tàu cá theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo như quy định trên.
Ngoài ra, từ ngày 05/07/2019, Tổng Cục Thủy sản sẽ áp dụng mức phạt đối với cả chủ tàu cá nếu không lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong khai thác thủy sản theo quy định tại Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét theo quy định;
+ Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng;
+ Cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét theo quy định trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
+ Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ghi mẫu 02B Bản kiểm điểm đảng viên phần phương hướng biện pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm Đảng viên thế nào?
- Thời gian đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK? Nhà đầu tư đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK phải nắm rõ điều gì?
- Điều kiện kinh doanh thiết bị y tế loại A là gì? Thiết bị y tế được phân loại theo quy định hiện nay thế nào?
- Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Cách viết Biên bản họp đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Các bước đánh giá chất lượng Đảng viên như thế nào?