Cho bạn mượn xe máy có phải làm hợp đồng mượn tài sản và công chứng hợp đồng đó không? Bên mượn xe máy có thể cho người khác mượn lại xe máy đó không?
Cho bạn mượn xe máy có phải làm hợp đồng mượn tài sản và công chứng hợp đồng đó không?
Căn cứ Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng mượn tài sản như sau:
"Điều 494. Hợp đồng mượn tài sản
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được."
Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản theo quy định tại Điều 495 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, theo quy định trên, trước hết hợp đồng mượn tài sản là một loại hợp đồng, giao dịch dân sự chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, trong đó, hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch, bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Đối với hợp đồng mượn tài sản pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng hay chứng thực, việc công chứng hoặc chứng thực do hai bên trong giao dịch tự thỏa thuận với nhau để đảm bảo quyền lợi cho các bên nếu một trong các bên tham gia giao dịch muốn thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Hợp đồng mượn tài sản (Hình từ Internet)
Hợp đồng bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này."
Theo đó, thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
Do đó, thời điểm anh và bạn giao kết bằng lời nói được xem là thời điểm giao kết hợp đồng. Căn cứ thông tin anh cung cấp, anh và bạn của anh có thỏa thuận với nhau về việc cho mượn xe máy trong khoảng thời gian 05 ngày, hết 05 ngày bên mượn xe có trách nhiệm trả lại xe máy cho anh. Lúc thỏa thuận và giao nhận xe thì có người làm chứng. Do đó, việc anh cho bạn của mình mượn xe máy mà không công chứng hoặc chứng thực thì vẫn có hiệu lực pháp luật.
Bên mượn xe máy có thể cho người khác mượn lại xe máy đó không?
Căn cứ theo Điều 496 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau:
"Điều 496. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả."
Theo đó, bên mượn tài sản không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
Như vậy, bạn anh không được cho người khác mượn lại xe máy của anh, nếu không có sự đồng ý của anh.
Bên cạnh đó, tại Điều 497 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về quyền của bên mượn tài sản như sau:
"Điều 497. Quyền của bên mượn tài sản
1. Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
2. Yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận.
3. Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?
- Trong hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung gì?
- Nguyên tắc bố trí kinh phí NSNN cải tạo nâng cấp hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng?