Bảo vệ an ninh mạng là gì? Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng được pháp luật quy định thế nào?
Bảo vệ an ninh mạng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 giải thích như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
3. Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
4. Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát.
...
Như vậy, bảo vệ an ninh mạng là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
Bảo vệ an ninh mạng là gì? Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng được pháp luật quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng được quy định thế nào?
Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng được quy định tại Điều 3 Luật An ninh mạng 2018, cụ thể như sau:
(1) Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại.
(2) Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(3) Ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng.
(4) Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng.
(5) Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.
Hoạt động bảo vệ an ninh mạng phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật An ninh mạng 2018 thì hoạt động bảo vệ an ninh mạng phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
- Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.
- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng.
- Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; áp dụng các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện về an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành, sử dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát về an ninh mạng trong quá trình sử dụng và kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Có bao nhiêu biện pháp bảo vệ an ninh mạng theo quy định hiện nay?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật An ninh mạng 2018 thì hiện nay, có 13 biện pháp bảo vệ an ninh mạng như sau:
(1) Thẩm định an ninh mạng;
(2) Đánh giá điều kiện an ninh mạng;
(3) Kiểm tra an ninh mạng;
(4) Giám sát an ninh mạng;
(5) Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
(6) Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng;
(7) Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng;
(8) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật;
(9) Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
(10) Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng;
(11) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật;
(12) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
(13) Biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngoài nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thì còn các cơ quan nào thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động đầu tư tại Việt Nam?
- Khi điều hành giao thông vận tải đường sắt có phải tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố hay không?
- Quyết định hành chính bị kiện là gì? Được khiếu kiện quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không?
- Tổ chức cung cấp thông tin báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính không đúng sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Hướng dẫn tài khoản 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất?