An toàn lao động là gì? Người lao động có những quyền lợi gì trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động?
An toàn lao động là gì? Người lao động có những quyền lợi gì trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động?
Khái niệm “An toàn lao động” được quy định tại Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
Căn cứ theo Điều 6 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định quyền lao động hợp đồng và người lao động không theo hợp đồng như sau:
- Tại nơi làm việc, người lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động;
- Người lao động được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
- Người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Được quyền yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Được từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
- Bên cạnh đó, người lao động có khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
An toàn lao động là gì? Người lao động có những quyền lợi gì trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động? (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào tham gia huấn luyện an toàn lao động?
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP, quy định cụ thể các đối tượng tham gia huấn luyện lao động như sau:
Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó, có 6 nhóm đối tượng phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.
Doanh nghiệp có được hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn lao động không?
Tại Điều 32 Nghị định 88/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều kiện hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:
1. Người sử dụng lao động có thời gian liên tục đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
2. Thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
3. Thực hiện báo cáo định kỳ công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn lao động, tuy nhiên phải đáp ứng đủ các điểu kiện sau:
- Người sử dụng lao động có thời gian liên tục đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
- Thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
- Thực hiện báo cáo định kỳ công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
* Thông tin thêm: Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn vệ sinh lao động mà công ty nhận được quy định cụ thể tại Điều 34 Nghị định 88/2020/NĐ-CP.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn của Trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội năm 2025 2026 lần 1?
- Hành vi livestream tuyên truyền sai sự thật có bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện nay?
- Chuyển đổi loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong trường hợp nào? Thủ tục chấp thuận chuyển đổi loại hình?
- Tử vi 12 cung hoàng đạo hôm nay 5 4 2025? Tử vi hàng ngày 12 cung hoàng đạo 5 4 2025? 12 cung hoàng đạo 5 4 2025 thế nào?
- Dự đoán kết quả ngày 5 tháng 4 năm 2025 tốt hay xấu? Giờ hoàng đạo ngày 5 4 2025 tài lộc? Xem ngày tốt xấu ngày 5 4 2025?