Xử lý kỷ luật đối với hành vi không quy định trong nội quy lao động nhưng có quy định trong hợp đồng lao động có được không?
- Ngoài thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, nội quy lao động còn bao gồm những nội dung gì?
- Việc đăng ký nội quy lao động được quy định như thế nào?
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không quy định trong nội quy nhưng có quy định trong hợp đồng lao động thì có vi phạm pháp luật không?
Ngoài thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, nội quy lao động còn bao gồm những nội dung gì?
Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 thì ngoài thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, nội quy lao động còn bao gồm những nội dung sau đây:
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Lưu ý:
- Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
- Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.
- Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
- Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Xử lý kỷ luật đối với hành vi không quy định trong nội quy lao động nhưng có quy định trong hợp đồng lao động có được không? (Hình từ Internet)
Việc đăng ký nội quy lao động được quy định như thế nào?
Việc đăng ký nội quy lao động được quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
(1) Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.
(2) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
(3) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.
(4) Người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
(5) Căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019.
Lưu ý:
(1) Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Lao động 2019, hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
- Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
- Nội quy lao động;
- Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).
(2) Hiệu lực của nội quy lao động được quy định tại Điều 121 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.
Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không quy định trong nội quy nhưng có quy định trong hợp đồng lao động thì có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ quy định tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Theo quy định nêu trên thì đối với hành vi xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định là hành vi bị nghiêm cấm.
Như vậy, việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không quy định trong nội quy nhưng có quy định trong hợp đồng lao động đã giao kết không phải là một hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, khi xử lý kỷ luật lao động trong trường hợp này, người sử dụng lao động không được thực hiện các hành vi sau:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Ngoài ra, khi xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không quy định trong nội quy nhưng có quy định trong hợp đồng lao động đã giao kết thì người sử dụng lao động cần phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động như sau:
(1) Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
(2) Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
(3) Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
(4) Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
- Đang bị tạm giữ, tạm giam;
- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019;
- Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
(5) Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
(6) Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động.
(Điều 122 Bộ luật Lao động 2019)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng mới nhất là mẫu nào?
- Lỗi phạt nguội bao lâu thì lên hệ thống 2025? Cách check Biển số xe bị phạt nguội trên csgt vn?
- Cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế theo Nghị định 29 được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định 178 khi nào?
- Lỗi không chấp hành thổi nồng độ cồn xe máy 2025? Mức phạt lỗi không chấp hành thổi nồng độ cồn xe máy?
- Mẫu Nhật ký công tác triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất? Nội dung nhật ký gồm những thông tin cơ bản nào?