Việc tăng lương thường xuyên của giáo viên được quy định như thế nào? Tập sự được tính lương bậc 1 thì sau khi hết thời gian tập sự tính mức lương bậc 2 đúng không?
Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng bao nhiêu phần trăm mức lương của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì chế độ, chính sách đối với người tập sự được quy định như sau:
- Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng. Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 chức danh nghề nghiệp tuyển dụng; trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.
- Người tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau:
+ Làm việc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Làm việc trong các ngành, nghề độc hại, nguy hiểm;
+ Hoàn thành nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Như vậy, nếu chị thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều này thì mới được hưởng 100% lương trong thời gian tập sự. Nếu không thuộc khoản 2 thì được hưởng 85% mức lương bậc 1 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng; nếu có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì chị được hưởng 85% mức lương bậc 2 chức danh nghề nghiệp tuyển dụng; trường có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì chị được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng.
Sau khi hết thời gian tập sự thì có phải mức lương sẽ tăng từ bậc 1 lên bậc 2 không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì:
Thời gian tập sự không tính vào thời gian nâng bậc lương.
Theo điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV thì thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên bao gồm:
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;
- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
- Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).
- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
- Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.
- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.
Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng.
Như vậy, thời gian tập sự sẽ không được tính vào thời gian nâng bậc lương nên sau khi hết thời gian tập sự sẽ lương sẽ không tăng lên bậc 2, mà hết thời gian tập sự chị sẽ được hưởng 100% lương của bậc chị đang tập sự mà thôi.
Việc tăng lương thường xuyên của giáo viên được quy định như thế nào?
Bao lâu thì được xem xét tăng lương?
Theo điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV thì thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên được quy định như sau:
- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Như vậy, trong trường hợp bạn là giáo viên trung học phổ thông thì sau 3 năm sẽ được xét nâng một bậc lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 25 12 âm lịch năm nay là bao nhiêu dương? Ngày 25 12 âm lịch người lao động được nghỉ Tết chưa?
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế từ ngày 6/2/2025 như thế nào? Quy định về đối tượng đăng ký thuế 2025 ra sao?
- Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam ngắn gọn? Các ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam? Tết diễn ra vào ngày nào đến ngày nào?
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?