Việc kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với những hoạt động nào? Cơ quan nào có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu?
Việc kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với những hoạt động nào?
Việc kiểm tra hoạt động đấu thầu được quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu
...
2. Kiểm tra hoạt động đấu thầu:
a) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra;
b) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các hoạt động sau: việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu; việc trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; việc quản lý và thực hiện hợp đồng; các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đấu thầu;
c) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo phương thức kiểm tra trực tiếp hoặc qua báo cáo bằng văn bản;
d) Trình tự, thủ tục kiểm tra: chuẩn bị kiểm tra; tổ chức kiểm tra; kết luận kiểm tra; theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra.
3. Giám sát hoạt động đấu thầu:
a) Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
...
Như vậy, theo quy định, kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các hoạt động sau:
- Việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu;
- Việc trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
- Công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Việc quản lý và thực hiện hợp đồng;
- Các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đấu thầu.
Việc kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với những hoạt động nào? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu?
Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu được quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu
...
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và có quyền hạn, trách nhiệm sau đây:
...
c) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà đầu tư, nhà thầu, bao gồm kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa đã sử dụng theo quy định của Chính phủ;
d) Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu cho người làm công tác đấu thầu; quy định về việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu;
đ) Thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu;
e) Thực hiện quyền hạn, trách nhiệm khác về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì bị xử lý thế nào?
Hình thức xử lý vi phạm khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu được quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật này còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.
3. Thẩm quyền quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định như sau:
a) Người có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương;
c) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ và trên phạm vi toàn quốc.
4. Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
...
Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo các hình thức sau đây:
- Xử lý kỷ luật;
- Xử phạt vi phạm hành chính;
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc bị xử lý theo các hình thức trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật Đấu thầu 2023 còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải mẫu thông báo dữ liệu phản ánh vi phạm giao thông 2025? Ai tiếp nhận thông tin hình ảnh vi phạm giao thông do cá nhân cung cấp?
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?
- Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới đối với công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được không?
- Mẫu công văn từ chối nhận hàng dành cho bên mua mới nhất? Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng khi nào?
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?