Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên thứ ba được thực hiện thế nào?
- Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên thứ ba được thực hiện thế nào?
- Ai có trách nhiệm lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba?
- Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba gồm những tài liệu gì?
Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên thứ ba được thực hiện thế nào?
Giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên thứ ba (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Thông tư 50/2022/TT-BTC thì khi có yêu cầu đòi bồi thường của bên thứ ba, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:
* Đối với bên mua bảo hiểm:
- Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc; sau đó trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu đòi bồi thường của bên thứ ba, phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.
- Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng của mình để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất.
- Cung cấp các tài liệu trong hồ sơ bồi thường theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 34 Thông tư 50/2022/TT-BTC, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó.
- Thực hiện, phối hợp, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo Thông tư 50/2022/TT-BTC.
* Đối với doanh nghiệp bảo hiểm:
- Giám định tổn thất theo quy định pháp luật và lập biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại theo quy định tại khoản 6 Điều 34 Thông tư 50/2022/TT-BTC.
- Hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường.
- Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên thứ ba thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
- Trường hợp chấp nhận bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản thông báo bồi thường bảo hiểm. Trường hợp từ chối bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản giải thích lý do.
Ai có trách nhiệm lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba?
Căn cứ Điều 34 Thông tư 50/2022/TT-BTC quy định như sau:
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường.
Theo đó, việc phối hợp lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba được thực hiện bởi những chủ thể sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm;
- Bên mua bảo hiểm;
- Người được bảo hiểm;
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba gồm những tài liệu gì?
Theo quy định tại Điều 34 Thông tư 50/2022/TT-BTC thì hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba bao gồm các tài liệu sau:
- Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.
- Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Văn bản yêu cầu bồi thường của bên thứ ba đối với người được bảo hiểm.
- Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba (Bản sao của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp.
Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:
+ Giấy chứng nhận thương tích.
+ Giấy ra viện.
+ Giấy chứng nhận phẫu thuật.
+ Hồ sơ bệnh án.
+ Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y.
- Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, bao gồm:
+ Hồ sơ sự cố công trình xây dựng (bản sao công chứng hoặc bản sao của bên lập hồ sơ) theo quy định tại Điều 47 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (nếu có).
+ Hóa đơn, chứng từ hợp lệ trong trường hợp sửa chữa, thay mới tài sản.
- Biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bên mời quan tâm tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của đối tượng nào?
- Tải mẫu bản cam kết không đi làm trễ? Có được xử lý kỷ luật người lao động đi làm trễ hay không?
- Nhà thầu chính trong xây dựng là ai? Nhà thầu chính có được ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu phụ không?
- Thuế suất hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thế nào? Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu có được miễn thuế?
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?