Trường hợp công ty tái xuất hàng hóa nhập khẩu chưa qua quá trình gia công, chế biến thì có được sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13 hay không?
- Mã loại hình nhập khẩu A41 được quy định thế nào?
- Trường hợp công ty tái xuất hàng hóa nhập khẩu chưa qua quá trình gia công, chế biến thì có được sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13 hay không?
- Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được quy định ra sao?
- Có hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất ra nước ngoài trả lại chủ hàng hóa hay không?
Mã loại hình nhập khẩu A41 được quy định thế nào?
Theo STT 5 Mục II Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng ban hành kèm theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về mã loại hình nhập khẩu A41 như sau:
Mã loại hình nhập khẩu A41: Nhập kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu
Sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu để bán trực tiếp tại Việt Nam (không qua sản xuất).
Trường hợp công ty tái xuất hàng hóa nhập khẩu chưa qua quá trình gia công, chế biến thì có được sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13 hay không?
Hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất (Hình từ internet)
Theo STT 3 Mục I Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng ban hành kèm theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về mã loại hình xuất khẩu B13 như sau:
Mã loại hình B13: Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu
Sử dụng trong trường hợp:
- Xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (chưa qua quá trình gia công, chế biến) ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài;
- Hàng hóa thanh lý của doanh nghiệp chế xuất và máy móc, thiết bị được miễn thuế thanh lý theo hình thức bán ra nước ngoài hoặc bán vào doanh nghiệp chế xuất;
- Xuất khẩu nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài
Căn cứ trường hợp công ty của bạn đã nhập khẩu hàng hóa theo mã loại hình A41, sau khi nhập hàng hóa về và giao cho khách hàng thì công ty có phát hiện một số hàng hóa trong hợp đồng bị sai nên giờ chúng tôi đã trao đổi với nhà cung cấp và nhà cung cấp đồng ý xuất trả số lượng bị sai đó. Như vậy, trường hợp công ty thuộc trường hợp quy định nêu trên thì được sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được quy định ra sao?
Theo Điều 48 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất như sau:
- Các hình thức tái xuất hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm:
+ Tái xuất để trả cho khách hàng;
+ Tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan.
- Hồ sơ hải quan:
+ Tờ khai hàng hóa xuất khẩu;
+ Văn bản chấp nhận nhận lại hàng của chủ hàng nước ngoài (nếu hàng xuất khẩu trả lại cho chủ hàng bán lô hàng này): nộp 01 bản chụp;
+ Quyết định buộc tái xuất của cơ quan có thẩm quyền (nếu có): 01 bản chụp.
- Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này (trừ giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành).
Trường hợp người khai hải quan nộp đủ hồ sơ không thu thuế khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan hải quan không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trả lại hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan và quyết định việc thông quan theo quy định.
- Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục nhập khẩu hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) hoặc hàng hóa buộc tái xuất theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập.
Có hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất ra nước ngoài trả lại chủ hàng hóa hay không?
Theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất
1. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.
Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu;
b) Hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thông qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đã nộp thuế nhưng không giao được cho người nhận hàng hóa, phải tái xuất;
c) Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế sau đó bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo quy định;
d) Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất ra nước ngoài.
Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trên tờ khai hải quan về hàng hóa tái xuất là hàng hóa nhập khẩu trước đây; các thông tin về số, ngày hợp đồng, tên đối tác mua hàng hóa.
Cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra nội dung khai báo của người nộp thuế, ghi rõ kết quả kiểm tra để phục vụ cho việc giải quyết hoàn thuế.
Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu những phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng thuộc một trong những trường hợp được hoàn thuế nhập khẩu.
Lưu ý: Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?
- Giao xe cho người chưa đủ 16 tuổi phạt bao nhiêu 2025? Lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi bị trừ điểm không?
- Lịch nghỉ Tết J&T 2025 Ất Tỵ chính thức? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 J&T Express? Quy định thưởng Tết tháng 13 thế nào?
- Tải mẫu thông báo dữ liệu phản ánh vi phạm giao thông 2025? Ai tiếp nhận thông tin hình ảnh vi phạm giao thông do cá nhân cung cấp?
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?