Trường hợp cố tình kéo dài thời hạn của đại hội nhiệm kỳ so với quy định có được xem là vi phạm quy định pháp luật không?
Đại hội nhiệm kỳ có phải là cơ quan lãnh đạo của hội hay không?
Tại Điều 20 Nghị định 45/2010/NĐ-CP có quy định về đại hội nhiệm kỳ cụ thể như sau:
"Điều 20. Đại hội nhiệm kỳ và đại hội bất thường
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường.
2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu chỉ được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt.
3. Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định nhưng không quá năm năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước.
Trong thời gian mười hai tháng kể từ ngày hết nhiệm kỳ đại hội, nếu hội không tiến hành đại hội, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này có văn bản yêu cầu hội tổ chức đại hội. Trong thời gian sáu tháng kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu tổ chức đại hội mà lãnh đạo hội không tổ chức đại hội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này xem xét, quyết định xử lý.
4. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên ban lãnh đạo hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị."
Căn cứ theo quy định trên, có thể thấy đại hội nhiệm kỳ (hoặc đại hội bất thường) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội. Theo đó, đại hội nhiệm kỳ được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu
Việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ của hội cần phải báo cáo lên cơ quan nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 03/2013/TT-BNV có quy định về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ cụ thể như sau:
"Điều 2. Tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội
1. Trách nhiệm báo cáo về việc tổ chức đại hội:
a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động;
b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện, trong xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc Sở Nội vụ nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) và Sở quản lý ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động;
c) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và phê duyệt điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã thì hội có phạm vi hoạt động trong xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
[...]"
Theo đó, tùy vào phạm vi hoạt động của hội là trên cả nước hoặc liên tỉnh hay trong tỉnh, trong huyện, trong xã thì cơ quan tiếp nhận báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ của hội cũng tương ứng khác nhau.
Tại khoản 2 Điều này quy định thành phần hồ sơ báo cáo về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ gồm:
"2. Hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ:
a) Nghị quyết của ban lãnh đạo hội về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ;
b) Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới của hội. Báo cáo kiểm điểm của ban lãnh đạo, ban kiểm tra và báo cáo tài chính của hội;
c) Dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung (nếu có);
d) Danh sách dự kiến nhân sự ban lãnh đạo, ban kiểm tra, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng thành viên ban lãnh đạo, ban kiểm tra của hội. Đối với nhân sự dự kiến là người đứng đầu hội thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này;
đ) Dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội;
e) Báo cáo số lượng hội viên, trong đó nêu rõ số hội viên chính thức của hội;
g) Các nội dung khác thuộc thẩm quyền của đại hội theo quy định của điều lệ hội và quy định của pháp luật (nếu có)."
Trường hợp cố tình kéo dài thời hạn của đại hội nhiệm kỳ so với quy định có được xem là vi phạm quy định pháp luật không?
Trường hợp cố tình kéo dài thời hạn của đại hội nhiệm kỳ so với quy định có được xem là vi phạm quy định pháp luật không? (Nguồn ảnh: Internet)
Căn cứ Điều 40 Nghị định 45/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm đối với hoạt động hội như sau:
"Điều 40. Xử lý vi phạm
1. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép thành lập hội trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Ban lãnh đạo hội, người đại diện hội cố tình kéo dài thời hạn đại hội nhiệm kỳ do điều lệ hội quy định hoặc không chấp hành quy định về nghĩa vụ của hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật."
Như vậy, trường hợp ban lãnh đạo hội, người đại diện hội cố tình kéo dài thời hạn đại hội nhiệm kỳ trái với quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?
- Cập nhật giá đất các quận huyện TPHCM từ 31 10 2024? Bảng giá đất mới nhất của TPHCM từ 31 10 2024?
- Tiêu chí phân loại vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Việc điều chỉnh vị trí việc làm thực hiện như thế nào?