Thương nhân kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải ký những loại hợp đồng nào? Chuyển khẩu hàng hóa trong trường hợp nào phải có Giấy phép?
Thương nhân kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải ký những loại hợp đồng nào?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa như sau:
Kinh doanh chuyển khẩu
...
3. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do doanh nghiệp ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng,
4. Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu phải được đưa vào, đưa ra khỏi Việt Nam tại cùng một khu vực cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi đưa vào Việt Nam cho tới khi được đưa ra khỏi Việt Nam.
5. Việc thanh toán tiền hàng kinh doanh chuyển khẩu phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đối chiếu với quy định trên thì thương nhân kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải ký hai hợp đồng riêng biệt, đó là: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do doanh nghiệp ký với thương nhân nước ngoài.
Trong đó, hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.
Thương nhân kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải ký những loại hợp đồng nào? (Hình từ Internet)
Chuyển khẩu hàng hóa trong trường hợp nào phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu?
Trường hợp phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu được quy định tại Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
Kinh doanh chuyển khẩu
1. Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo quy định sau:
a) Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu. Trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam, thương nhân không phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.
b) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân không phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu của Bộ Công Thương.
...
Như vậy, theo quy định, thương nhân kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu trong các trường hợp sau đây:
- Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu;
- Hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;
- Hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động.
Việc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở nào?
Việc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2020/TT-NHNN như sau:
Nguyên tắc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa
1. Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai giao dịch thanh toán và chuyển tiền riêng biệt: giao dịch chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa và giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng hóa. Giao dịch chuyển tiền thanh toán có thể được thực hiện trước hoặc sau giao dịch nhận tiền.
2. Mọi hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép.
3. Thương nhân chỉ được thanh toán và chuyển tiền trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu theo hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán chính hàng hóa đó tại cùng một ngân hàng được phép.
4. Thương nhân được sử dụng ngoại tệ trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân đó, ngoại tệ mua của ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài thanh toán cho các hợp đồng mua hàng hóa.
Theo đó, việc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai giao dịch thanh toán và chuyển tiền riêng biệt: giao dịch chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa và giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng hóa.
Giao dịch chuyển tiền thanh toán có thể được thực hiện trước hoặc sau giao dịch nhận tiền.
Lưu ý: Thương nhân kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa chỉ được thanh toán và chuyển tiền trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu theo hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán chính hàng hóa đó tại cùng một ngân hàng được phép.
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2020/TT-NHNN thì ngân hàng được phép là Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?