Thừa phát lại phải từ chối hướng dẫn tập sự trong những trường hợp nào? Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự không đúng quy định liệu có bị xử phạt hay không?
Thừa phát lại phải từ chối hướng dẫn tập sự trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định về điều kiện nhận, hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại cụ thể như sau:
Điều kiện nhận, hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại
1. Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự phải có Thừa phát lại đáp ứng đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Thừa phát lại hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề Thừa phát lại. Thừa phát lại bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại thì sau 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại. Trong cùng một thời gian, 01 Thừa phát lại không được hướng dẫn nhiều hơn 03 người tập sự.
3. Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự trong trường hợp không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều này; thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này; bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; vì lý do sức khỏe hoặc lý do khách quan khác.
Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản này phải thông báo bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự. Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự phân công một Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự; trường hợp Văn phòng Thừa phát lại không có Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự thì phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp chỉ định một Văn phòng Thừa phát lại khác nhận tập sự; trường hợp không có Văn phòng Thừa phát lại đủ điều kiện nhận tập sự thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người tập sự.
Theo đó, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Thừa phát lại sẽ từ chối hướng dẫn tập sự:
- Không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 05/2020/TT-BTP (ví dụ như: có dưới 02 năm kinh nghiệm hành nghề Thừa phát lại; đang hướng dẫn tập sự cho 03 người tại cùng một thời điểm,...);
- Thừa phát lại hướng dẫn tập sự không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Điều 14 Thông tư 05/2020/TT-BTP;
- Thừa phát lại đang hướng dẫn tập sự mà bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại;
- Thừa phát lại bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại;
- Vì lý do sức khỏe hoặc lý do khách quan khác.
Hướng dẫn tập sự Thừa phát lại (Hình từ Internet)
Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự không đúng quy định liệu có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hành nghề thừa phát lại như sau:
Hành vi vi phạm quy định về hành nghề thừa phát lại
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại hằng năm mà không có lý do chính đáng;
b) Không mặc trang phục thừa phát lại hoặc không đeo thẻ thừa phát lại theo quy định.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thẻ thừa phát lại;
b) Sửa lỗi kỹ thuật vi bằng không đúng quy định;
c) Hướng dẫn tập sự hành nghề thừa phát lại khi không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định;
d) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề thừa phát lại không đúng quy định.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu Thừa phát từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề thừa phát lại không đúng quy định, tức không thuộc trường hợp từ chối được quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 05/2020/TT-BTP thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng.
Quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại theo quy định hiện nay?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì Thừa phát lại sẽ có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc.
- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.
- Chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.
- Không đồng thời hành nghề tại 02 hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại.
- Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Mặc trang phục Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, đeo Thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.
- Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên.
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?