Thủ tục bàn giao chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại hiện nay thực hiện như thế nào?
Thủ tục bàn giao chất thải rắn nguy hại như thế nào?
Hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP không quy định trình tự cụ thể cho việc bàn giao chất thải mà chỉ quy định về trách nhiệm của chủ nguồn chất thải phải thực hiện các việc về chuyển giao chất thải như sau:
Căn cứ khoản 4 Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định:
"Điều 71. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Trách nhiệm chính của chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung quy định cụ thể như sau:
...
4. Phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại để lập chứng từ chất thải nguy hại khi chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ chất thải nguy hại mà không có lý do hợp lý bằng văn bản từ tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất thải nguy hại thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp chuyển giao chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm thì sử dụng biên bản bàn giao thay cho chứng từ chất thải nguy hại."
Chứng từ chất thải nguy hại được hướng dẫn bởi khoản 7 Điều 35 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 với nội dung:
"Điều 35. Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại và mẫu chứng từ chất thải nguy hại
...
7. Chứng từ chất thải nguy hại theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này."
Theo đó, khi chuyển giao đất thải nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại thì chủ nguồn thải có trách nhiệm phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại lập chứng từ chất thải nguy hại.
Thủ tục bàn giao chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại thực hiện như thế nào? (Hình từ internet)
Thủ tục bàn giao chất thải rắn thông thường năm 2022 như thế nào?
Tương tự như chất thải rắn nguy hại về chất thải rắn thông thường cũng không có thủ tục bàn giao cụ thể mà có các công việc như sau:
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 66 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định:
"Điều 66. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường
...
2. Chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường; được phép chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định này sau khi phân loại theo đúng quy định cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
3. Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành khi chuyển giao nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý quy định tại điểm c khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường."
Theo quy định trên thì chủ nguồn chất thải rắn thông thường phải chuyển giao cho các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể:
"Điều 82. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau đây:
a) Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp;
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
d) Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại các điểm a, b hoặc c khoản này."
Chất thải rắn thông thường được chuyển giao cho bên thu gom khi nào?
Theo khoản 1 Điều 66 và khoản 1 Điều 67 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì chủ nguồn chất thải rắn thông thường được phép chuyển giao chất cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sau khi phân loại theo đúng quy định. Cụ thể:
"Điều 66. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường; có thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 67. Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Chỉ được ký hợp đồng thu gom, vận chuyển đối với nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý quy định tại điểm c khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường với chủ nguồn thải khi đã ký hợp đồng chuyển giao cho các đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Cách viết Biên bản họp đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Các bước đánh giá chất lượng Đảng viên như thế nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế hay đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa?
- Tải mẫu Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo viên của cơ sở giáo dục phổ thông mới nhất? Ai có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện?
- Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể thường trực HĐND xã mới nhất chuẩn Hướng dẫn 25? Tải về mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể?