Hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai? Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với hàng thừa kế thứ 1 ra sao?
Hàng thừa kế là gì? Có mấy hàng thừa kế theo quy định pháp luật?
Căn cứ theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế là quyền của cá nhân đối với tài sản của người đã mất theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo đó, căn cứ Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 về thừa kế theo pháp luật như sau:
Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Có thể hiểu, hàng thừa kế là thứ tự của những người nhận thừa kế tài sản trong trường hợp tài sản được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể trong các trường hợp tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ theo nội dung tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được chia thành 03 hàng:
- Hàng thừa kế thứ nhất (Hàng thừa kế thứ 1);
- Hàng thừa kế thứ hai (Hàng thừa kế thứ 2);
- Hàng thừa kế thứ ba (Hàng thừa kế thứ 3).
Theo dó, những người thuộc cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau.
Hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai? Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với hàng thừa kế thứ 1 ra sao?
Hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai?
Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo quy định trên thì hàng thừa kế thứ nhất gồm các đối tượng sau:
- Vợ, chồng;
- Cha, mẹ đẻ;
- Cha, mẹ nuôi;
- Con đẻ;
- Con nuôi.
Trong đó, những đối tượng nêu trên sẽ được chia phần di sản thừa kế bằng nhau.
Trong trường hợp người chết không còn người thân thuộc hàng thừa kế thứ 1 nêu trên thì di sản thừa kế sẽ được chuyển sang cho hàng thừa kế thứ 2.
Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại đối với hàng thừa kế thứ 1 ra sao?
Trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ 1 nhận thừa kế, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được thực hiện theo nội dung được quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được thực hiện theo nội dung quy định nêu trên.
Cụ thể:
- Trường hợp di sản chưa được chia:
Nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia:
+ Mỗi người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng với phần của mình.
+ Tuy nhiên, sẽ nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường mới nhất?
- Phát biểu họp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20 11 2024? Gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam?
- Mẫu email đề xuất tăng lương bằng tiếng Anh chuyên nghiệp dành cho người lao động? Lưu ý khi viết email?
- Nghị định 147 năm 2024 về game có điểm gì nổi bật? Tổng hợp những quy định nổi bật về trò chơi điện tử trên mạng từ 25/12/2024?
- Mẫu Bản luận cứ bảo vệ nguyên đơn trong vụ án dân sự mới nhất? Đương sự trong vụ án dân sự gồm những ai?